Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Nhật Bản: “Họa vô đơn chí”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động lâu dài của trận siêu động đất và sóng thần hôm 11/3 tới kinh tế Nhật Bản. Nhưng, Chánh văn phòng Nội các Yukio Edano đã thừa nhận: "Trận động đất tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua này sẽ tác động xấu đến nhiều hoạt động kinh tế của Nhật Bản".

KTĐT - Mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động lâu dài của trận siêu động đất và sóng thần hôm 11/3 tới kinh tế Nhật Bản. Nhưng, Chánh văn phòng Nội các Yukio Edano đã thừa nhận: "Trận động đất tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua này sẽ tác động xấu đến nhiều hoạt động kinh tế của Nhật Bản". Theo ước tính sơ bộ, thiệt hại vật chất đã lên tới 180 tỷ USD.

Các chuyên gia dự đoán, Nhật Bản có thể sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn dự kiến để thoát ra tình trạng khó khăn hiện nay. Theo ước tính của Ngân hàng Myrrill Lynch (Mỹ), các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần chiếm 7,8% GDP của Nhật, so với mức 12,4% GDP trong trận động đất Kobe năm 1995. Đặc biệt, chi phí tái thiết đất nước sẽ khiến tình trạng nợ công đang ở mức 200 % GDP của Nhật Bản trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Do lo ngại về tác động của động đất tại Nhật Bản và nguy cơ rò rỉ phóng xạ đối với kinh tế toàn cầu, chứng khoán thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần qua. Trong phiên giao dịch ngày 15/3, thị trường chứng khoán toàn châu Á đều rực một sắc đỏ. Tại Nhật Bản, tác động của thảm họa đối với thị trường tài chính còn khủng khiếp hơn nhiều. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Tokyo hôm 14/3 đã bán tháo hơn 4,88 tỷ cổ phiếu - con số cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ II. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 14/3 đã quyết định bơm 12.000 tỷ Yen và tiến hành mua 3.000 tỷ Yen trái phiếu Chính phủ nhưng vẫn không ngăn được sự lao dốc của thị trường. Theo thống kê, trong vòng 3 ngày, đã có 680 tỷ USD "bốc hơi" khỏi thị trường chứng khoán Nhật Bản. Trước tình hình đó, ngày 15/3, BOJ tuyên bố tiếp tục bơm thêm khoảng 8.000 tỷ Yen vào thị trường, đồng thời cho biết sẽ mua 2.000 tỷ Yen trái phiếu Chính phủ thông qua một thỏa thuận mua lại trong 2 ngày liên tiếp, bắt đầu từ ngày 17/3.

Những khó khăn mà kinh tế Nhật Bản phải đối mặt sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam. Nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá 18 % của nước ta sang Nhật sẽ không thể hoàn thành. Các doanh nghiệp có quan hệ làm ăn, hợp tác với Nhật Bản sẽ gặp khó khăn do Nhật là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Một số ngành như dệt may; dây điện và cáp điện; thuỷ sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... cần tìm kiếm thị trường thay thế để tránh thiệt hại. Ngoài ra, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam gồm ODA, FII và FDI (trong đó cam kết vốn ODA năm 2011 của Nhật cho nước ta là 1,76 tỷ USD, FDI là 2,2 tỷ USD) có thể sẽ không đạt mục tiêu đề ra khi nước này phải tập trung vốn để tái thiết đất nước.