Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế số - xu hướng tất yếu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nền kinh tế của Việt Nam đang đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á với quy mô thị trường 23 tỷ USD. Theo dự báo, trong giai đoạn 2022 - 2025, con số trên có thể đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 và từ 120 - 200 tỷ USD vào năm 2030.

Điểm sáng kinh tế số

Chuyển đổi sang kinh tế số là hướng đi được Việt Nam quyết tâm thực hiện với những nỗ lực cao nhất từ cấp Đảng và Nhà nước. Điều này thể hiện rõ qua việc Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP.

Giao dịch với Robot OPBA tại Nam A Bank. Ảnh: Việt Linh
Giao dịch với Robot OPBA tại Nam A Bank. Ảnh: Việt Linh

Bên cạnh đó, trong “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ cũng xác định phát triển kinh tế số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.

Với những định hướng mang tính quốc gia như trên, trong vài năm trở lại đây, kinh tế số của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ cũng như ưu đãi DN chuyển đổi số được ban hành. Không chỉ vậy, hạ tầng số quốc gia cũng được phát triển với tốc độ cao.

Viễn thông, thanh toán điện tử, điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số cũng đang được chú trọng đầu tư với tầm nhìn dài hạn. Hàng loạt các nền tảng công nghệ “Make in Việt Nam” được áp dụng vào thực tế nhằm giúp DN chuyển đổi số với mức kinh phí thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất.

Từ sự nỗ lực của toàn bộ đất nước, kinh tế số Việt Nam đã đạt được những thành quả bước đầu vô cùng ấn tượng. Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 vừa được Google, Temasek và Bain & Company mới đây đã đưa ra nhận định kinh tế số Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao nhất khu vực, vượt qua cả những quốc gia như Indonesia hay Thái Lan.

Cụ thể, trong năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng lên tới 28%, qua đó đạt tổng giá trị lên tới 23 tỷ USD. Về quy mô, Việt Nam đang đứng thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Indonesia (77 tỷ USD) và Thái Lan (35 tỷ USD).

Về cơ cấu, thương mại điện tử hiện đang là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất vào nền kinh tế với 14 tỷ USD. Nhận định về vai trò của nền kinh tế số đối với Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Thế Bính khẳng định, đây hiện là xu hướng chung trên toàn cầu, đặc biệt là ở tại các nước phát triển. Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi kinh tế số sẽ là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tới.

“Hiện Việt Nam đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển đổi hoàn toàn sang nền kinh tế số như nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách thuận lợi, dân số trẻ, độ phủ công nghệ cao… Với kinh tế số, Việt Nam có thể mau chóng đồng hành với thế giới thay vì tụt hậu như trước đây” - chuyên gia Nguyễn Thế Bính chia sẻ.

Tạo điều kiện cho mô hình kinh doanh mới

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất của kinh tế số so với kinh tế truyền thống đó là sẽ luôn phát sinh ra các ý tượng sáng tạo và mô hình kinh doanh mới mang lại lợi ích kinh tế cao.

Tuy nhiên, do có nhiều loại hình, phương thức kinh doanh chưa từng xuất hiện trước đây nên đã khiến các cơ quan quản lý Nhà nước tỏ ra khá lúng túng trong quản lý cũng như đưa ra các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ các hoạt động của nền kinh tế số.

Một trong những tác hại lớn nhất từ sự thiếu hụt và chậm chân của chế tài pháp luật cũng như cơ chế chính sách diễn ra phổ biến nhất là việc “chảy máu” startup. Từ nhiều năm nay, một xu hướng chung của các dự án khởi nghiệp do chính người Việt đứng đầu là thường chọn các quốc gia như Singapore, Hong Kong, Malaysia… làm nơi đặt trụ sở chính. Tại các quốc gia này, chính sách rất phù hợp và thân thiện với các lĩnh vực kinh doanh mới, từ đó khiến việc gọi vốn dễ dàng hơn.

Ví dụ điển hình là trường hợp của startup Sky Mavis với tựa game đình đám thế giới Axie Infinity. CEO Nguyễn Thành Chung đã chọn Singapore thay vì Việt Nam để bắt đầu giấc mơ của mình và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tựa game này đạt được nhiều thành công vượt sức tưởng tượng. Tại thời điểm hoàng kim của mình, tựa game này từng được định giá lên tới 3 tỷ USD, vốn hóa thị trường lên tới hơn 10 tỷ USD với tổng giá trị giao dịch xấp xỉ 2 triệu USD/ngày.

Lý giải về quyết định chọn Singapore thay vì Việt Nam, CEO Nguyễn Thành Chung chia sẻ, yếu tố sống còn của một startup là gọi vốn và việc nhận đầu tư ở nước ngoài thuận tiện hơn nhiều so với trong nước. Trong khi luật Singapore rất rõ ràng và theo hướng tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp thì ở Việt Nam, khi thương vụ càng lớn thì rào cản cũng lớn tương đương.

Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Chu Thị Hoa, chính sự hạn chế về mặt pháp lý đã kìm hãm sự ra đời của các ngành nghề kinh doanh mới của nền kinh tế số. Đặc biệt là những loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ mà chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Từ đó hạn chế rất lớn không gian phát triển dịch vụ mới của DN.

“Đã đến lúc cần sửa đổi các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh trong một số luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… theo hướng mở và linh động nhằm cùng đồng hành với các DN khởi nghiệp” - bà Chu Thị Hoa nói.