Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Thái Lan chật vật tìm lối thoát

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh kinh tế Thái Lan đối mặt với tình trạng lao dốc do biến động về chính trị, chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang hướng tới “giai đoạn thứ 4 của sự phát triển kinh tế” (Thailand 4.0)

Theo đó, ngoài những lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và nặng, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á sẽ sử dụng những động lực tăng trưởng mới như công nghệ sinh học, Internet of Thing hay mảng cơ điện tử… để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trước đó, các nhà hoạch định chính sách dự báo nền kinh tế Thái Lan sẽ đạt mức tăng trưởng 3,3% vào cuối năm 2016 và đạt mức 3,5% trong năm 2017.

 Đồng Baht Thái Lan.

Mặc dù tăng trưởng GDP bình quân vào quý II/2016 có thể 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giới chuyên gia nhận định, đà tăng trưởng trên chủ yếu dựa vào việc chi tiêu, đầu tư và thu nhập từ ngành du lịch, còn những ngành kinh doanh tư nhân, tiêu dùng hay xuất khẩu lại rơi vào tình trạng trì trệ. Bên cạnh đó, việc ngành du lịch có khả năng bị “gián đoạn” cũng không phải điều khó hiểu, bởi bên cạnh việc đem lại nguồn lợi nhuận lớn, ngành này cũng mang tới nhiều rủi ro khi nhiều khu vực du lịch trọng điểm của Thái Lan thường xuyên bị ảnh hưởng từ thiên tai, khủng bố…

Với bối cảnh chính trị trong nước có nhiều “biến động”, các nhà DN Thái Lan thường “ưu tiên” đầu tư vào những dự án nước ngoài. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các khoản đầu tư của DN trong nước vào những dự án quốc tế đã thu về lợi nhuận 600 tỷ Baht. Nhiều DN khẳng định, họ sẽ duy trì ở trạng thái “chờ đợi” cho đến khi có kết quả chính xác của cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2017, để tìm ra cách tiếp cận phù hợp đối với các dự án trong nước.

Từng được xếp vào danh sách những quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á có ngành xuất khẩu phát triển mạnh, thì nay sự thiếu sáng tạo trong một số sản phẩm như ô tô, thiết bị điện tử… đã khiến ngành xuất khẩu của Thái Lan chững lại. Theo đó, việc chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ochan tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn cùng ngành công nghiệp du lịch, mà “bỏ quên” một số ngành kinh tế mũi nhọn sẽ không mang lại sự tăng trưởng “lành mạnh” trong thời gian dài. Các chuyên gia khẳng định, chính phủ cần một chiến lược toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp “mở ra một tầm nhìn mới trong thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế”.