Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng bất chấp thách thức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhật báo Phố Wall số ra ngày 31/3, nêu rõ kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp nhiều thách thức.

KTĐT - Nhật báo Phố Wall số ra ngày 31/3, nêu rõ kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp nhiều thách thức.

Thách thức thứ nhất là hậu quả trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản xảy ra hôm 11/3 vừa qua. Thiệt hại về con người là không thể tính toán và thảm họa đã gây ra một số rối loạn về kinh tế như dây chuyền cung cấp toàn cầu bị gián đoạn. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng ở các nền kinh tế tổ chức tốt, những sự kiện như thế này chỉ gây ra những bước lùi ngắn hạn.

Thách thức thứ hai là cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu. Trong khoảng một năm qua, tình trạng vỡ nợ hay tái cơ cấu nợ tại các nước như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha có thể làm cho các ngân hàng châu Âu, vốn đã khó khăn, phải chịu các khoản thua lỗ khổng lồ và do đó đe dọa mở ra một chương mới trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định sự sụp đổ tài chính ở châu Âu là khó xảy ra.

Vấn đề ngân sách của Mỹ cũng là một thách thức lớn đối với sự phục hồi kinh tế thế giới. Những tranh cãi xung quanh vấn đề thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể là điều đáng lo ngại hơn chính bản thân vấn đề này. Những tranh cãi này có thể dẫn đến việc cắt giảm mạnh chi tiêu liên bang vào đúng lúc nền kinh tế vẫn còn mong manh; làm các nhà đầu tư trên khắp thế giới lo ngại rằng Mỹ đã mất khả năng kiểm soát và có thể vỡ nợ...

Theo tờ báo trên, thị trường dầu mỏ là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Vào thời điểm hiện tại, giá dầu thô ngọt nhẹ mới chỉ tăng khoảng 20 USD, từ 85 lên 105 USD/thùng. Tuy nhiên, nếu giá dầu tăng lên khoảng 150 USD/thùng như hồi mùa Hè 2008 thì thế giới có thể phải đối mặt với một cú sốc dầu mỏ lớn, sẽ làm lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy cú sốc dầu mỏ hiện nay ít tác động về mặt kinh tế hơn so với trước đây, vì nếu so với GDP thì hiện chúng ta sử dụng ít dầu mỏ hơn so với trước đây. Do đó, kể cả khi giá dầu lên đến 150 USD/thùng thì nó cũng không tàn phá nền kinh tế toàn cầu như các cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong thập niên 1970 và đầu 1980./.