Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam 2019: Ảnh hưởng rõ hơn từ chiến tranh thương mại

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nhận định tại buổi toạ đàm Báo cáo Kinh tế Vĩ mô vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng ngày 10/1.

 Ảnh minh họa
Những quan ngại về kinh tế Mỹ - Trung ngày một cao hơn khi tăng trưởng thương mại và đầu tư của 2 nước tiếp tục sụt giảm do căng thẳng thương mại trong thời gian tới. Chỉ số PMI của Trung Quốc đã giảm xuống dưới mốc 50. Ngân hàng T.Ư nước này đã bắt đầu phải thực hiện nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế trong nước. 
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tác động 2 chiều tới nền kinh tế Việt Nam. Nếu có chính sách tỷ giá phù hợp, thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc chiến này, bên cạnh việc tiếp nhận nhiều đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc. Về tác động tích cực lâu dài khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, chuyên gia Phạm Chi Lan lại cho rằng, với việc hàng hóa Trung Quốc gặp khó khăn trong tiêu thụ ở Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ tìm kiếm thị trường mới và thị trường ngay gần cạnh Trung Quốc là Việt Nam. Vì thế, bên cạnh việc DN trong nước phải tăng sức cạnh tranh thì việc kiểm soát chặt chẽ thị trường, tránh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái cần phải được quan tâm hơn. Bên cạnh đó cùng với động thái đánh thuế hàng Trung Quốc, Mỹ cũng tuyên bố áp dụng thuế nhập khẩu 25% với thép và 10% với nhôm nhằm bảo vệ ngành sản xuất nhôm và thép của Mỹ trước các nước và vùng lãnh thổ, bà Lan cũng cảnh báo nguy cơ Việt Nam bị Mỹ nhắm đến do Việt Nam là quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ 6.

Bước sang năm 2019, những nhân tố tiêu cực của kinh tế thế giới vẫn chưa giải quyết. Trong bối cảnh như vậy, kinh tế Việt Nam có độ mở giá trị xuất khẩu trên GDP hơn 2 lần, chịu tác động bên ngoài nhiều hơn. Đơn cử như với thị trường chứng khoán, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, năm 2018 có sự biến động lớn, VNIndex từ 700 điểm lên 1.200, hiện còn lình xình dưới mức 900 điểm. “Biến động này do khối ngoại họ vào ra quá nhanh chóng. Đầu tư gián tiếp ở Việt Nam vẫn là những nhà đầu tư ăn xổi, thấy thị trường mới nổi đầu tư mạnh mẽ nhưng cũng nhảy ra nhanh chóng nếu thị trường truyền thống của họ bị chao đảo” - ông Hiếu phân tích và nhận định năm 2019, TTCK Việt Nam được dự báo chưa thể ổn định. Trong khi đó, lạm phát, tỷ giá, lãi suất cũng chịu áp lực từ diễn biến đồng USD và Nhân dân tệ.

Theo các chuyên gia, năm 2019, chính sách hội nhập quốc tế đa phương hóa tiếp tục được theo đuổi khi thực thi CPTPP. Và dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU chưa thông qua nhưng vẫn phải trong tư thế sẵn sàng thực hiện cải cách. Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và năng suất, chất lượng lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân… để đón đầu cơ hội này. Vì những lý do trên, nghiên cứu của VEPR đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế 2019 của Việt Nam sẽ đạt 6,9%, tăng 0,1% so với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua.