Tầm quan trong của khuyến nghị
Sách Trắng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cung cấp về chính sách kinh doanh của Việt Nam từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Đây là bản tóm tắt hợp tác đưa ra các khuyến nghị nhằm khuyến khích các ưu tiên đầu tư và thương mại; thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Đặc biệt, sách đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các sáng kiến, chiến lược đầu tư trong tương lai giữa Việt Nam và châu Âu.
Chia sẻ tại hội nghị Đối thoại cùng doanh nghiệp về thủ tục hành chính và ra mắt Sách Trắng 2024 “Thúc đẩy đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ châu Âu và Việt Nam. Mối quan hệ thể hiện sức mạnh của sự hợp tác chung và cùng nhau vượt qua các thách thức, mở đường cho những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển môi trường kinh doanh của Việt Nam.
"Sách Trắng giúp định hình một tương lai nơi các doanh nghiệp có trách nhiệm thúc đẩy đổi mới và mang lại lợi ích tích cực cho người dân và môi trường Việt Nam. Bất chấp những trở ngại phía trước, Việt Nam và châu Âu có chung quyết tâm mạnh mẽ để hiện thực hóa các mục tiêu bền vững đầy tham vọng” - ông Gabor Fluit nói.
Theo Chủ tịch Tiểu ban ngành thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham (FAABS) Paul-Antoine Croize, trên tinh thần hợp tác hỗ trợ, các khuyến nghị trong Sách Trắng xác định các cách hỗ trợ Việt Nam tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sách đề xuất các giải pháp thiết thực như hợp tác đào tạo, các chương trình giáo dục có tác động cao, đầu tư năng lực có mục tiêu và hợp nhất quan hệ đối tác.
Còn Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh EuroCham Erik Contreras nhấn mạnh, thông qua Sách Trắng, EuroCham mong muốn hợp tác với Việt Nam để đạt được các giải pháp bền vững thế hệ tiếp theo trong các ngành công nghiệp chủ chốt. Hai bên sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn toàn cầu về mọi lĩnh vực, từ các sáng kiến quản lý chất thải đến các thiết kế tòa nhà tiết kiệm năng lượng.
“Để hỗ trợ tương lai năng lượng tái tạo của Việt Nam, chúng tôi khuyến nghị hợp tác nhằm mục đích đơn giản hóa các hợp đồng mua bán và đầu tư năng lượng sạch. Nhanh chóng đưa ra các quy định hiệu quả, tạo điều kiện và duy trì tăng trưởng năng lượng xanh nhằm tối đa hóa tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này” - ông Erik Contreras cho biết.
Con số minh chứng
Dưới góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm đánh giá cao về những thông tin, khuyến nghị, góp ý trên cơ sở vì doanh nghiệp được đưa ra trong Sách trắng.
Đồng thời khẳng định, thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc, thay đổi đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với dệt may vấn đề xuất nhập khẩu cần tính toán nội tạng tại chỗ, cần có cơ chế chính sách để phát huy vai trò hình thành chuỗi…
TS. Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của văn phòng Chính phủ thông tin, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.770 quy định kinh doanh tại 224 văn bản quy phạm pháp luật, đạt tỷ lệ 17,53%. Riêng trong năm 2023, đã cắt giảm 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật.
Đã thực thi phương án phân cấp giải quyết 153/699 thủ tục hành chính (TTHC) tại 29 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 21,9%. Riêng năm 2023, đã thực thi phương án phân cấp 86 thủ tục hành chính tại 26 văn bản quy phạm pháp luật.
22/22 bộ, ngành đã công bố 1.372 TTHC nội bộ; 63/63 địa phương đã được công bố danh mục TTHC nội bộ thực hiện tại địa phương. Riêng trong năm 2023, đã thực thi đơn giản hóa 147 TTHC, giấy tờ công dân.
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh để phục vụ người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước công khai, minh bạch và tiến độ, kết quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công với tỷ lệ giải quyết TTHC của bộ, ngành đạt 62,3% với hơn 52 triệu hồ sơ (năm 2022 là 31%) và địa phương đạt 51% với hơn 30 triệu hồ sơ (năm 2022 là 36,33%).
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4% với hơn 15,8 triệu hồ sơ (tăng 1,4 lần so với 2022) và địa phương đạt 37,4% với hơn 11,2 triệu hồ sơ (tăng 3,7 lần so với 2022); Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại các bộ, ngành đạt 45,22% (tăng 34,34% so với 2022) và địa phương đạt 26,86%.
Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC: tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ, ngành đạt 28,59% với hơn 15 triệu hồ sơ (năm 2022 là 11,74%) và tại địa phương đạt 39,48% với hơn 12 triệu hồ sơ (năm 2022 là 9,47%); Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại bộ, ngành đạt 28,6% với hơn 15 triệu hồ sơ (năm 2022 là 11,76%) và tại địa phương đạt 45,3% với hơn 13,6 triệu hồ sơ (năm 2022 là 13,65%).
Cổng Dịch vụ công quốc gia hoàn thành tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06... “Những thông số đó đã minh chứng cho sự vào cuộc của các cấp. Hi vọng thời gian tới sẽ có nhiều tiến bộ hơn vì sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu” - TS. Ngô Hải Phan kỳ vọng.
Tại sự kiện, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit đã chia sẻ thông tin về Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh EuroCham (GEFE) 2024 (dự kiến diễn ra từ 21 - 23/10 tại TP Hồ Chí Minh). Dựa trên những thành tựu trước đây, GEFE sẽ mở rộng quy mô và tầm ảnh hưởng của mình vào năm 2024. Bằng việc quy tụ các nhà lãnh đạo của khắp các lĩnh vực và các chính phủ trong 3 ngày với các đối thoại, các phiên hội thảo và triển lãm, GEFE sẽ tạo điều kiện cho các mối quan hệ đối tác và đối thoại nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững thiết thực trên khắp Việt Nam.