Tại kỳ họp, HĐND thành phố sẽ xem xét, thảo luận và thông qua các nghị quyết về: Giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024; việc sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019.
Trong đó, nội dung về giá đất là thực hiện theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/12/2019 quy định về khung giá đất; nội dung sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn thực hiện theo Thông tư số 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành ngày 3/12/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, HĐND TP Hà Nội vừa tổ chức thành công kỳ họp thứ 11, là kỳ họp thường lệ với 20 báo cáo và 17 nghị quyết được thông qua. Công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp đã có sự phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả giữa các cơ quan, đảm bảo đúng quy định của pháp luật với nhiều đổi mới theo hướng bài bản, khoa học, chất lượng và hiệu quả.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình, yêu cầu thực tiễn phát triển của Hà Nội và triển khai thực hiện một số quy định mới của Trung ương mà HĐND phải quyết định; trên cơ sở thống nhất với UBND, Uỷ ban MTTQ TP, tại kỳ họp này, HĐND Thành phố tập trung xem xét một số nội dung chuyên đề thuộc thẩm quyền của HĐND, cụ thể :Một là: Xem xét và quyết nghị về giá các loại đất trên địa bàn Thành phố áp dụng từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2024. Đây là nội dung UBND Thành phố đã có Tờ trình số 6648 ngày 26/11/2019 đề nghị xây dựng và ban Nghị quyết để trình HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp 11. Tuy nhiên do Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định về khung giá đất nên UBND Thành phố đã xin rút không trình tại kỳ họp thứ 11 HĐND Thành phố. Đến ngày 19/12/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày quy định khung giá đất. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố đã có Tờ trình số 299/TTr-UBND ngày 23/12/2019 đề nghị ban hành Nghị quyết về nội dung này. Hai là: Xem xét và quyết nghị về việc sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc |
Thông qua bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2020
Ngay sau đó, HĐND TP xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết về các loại giá đất trên địa bàn TP Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024, với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Trước khi các đại biểu biểu quyết thông qua, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông trình bày Tờ trình của UBND TP cho biết: Trong giai đoạn 2014 – 2019, tình hình kinh tế xã hội cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng tăng trưởng ổn định (khoảng 7,3% - 7,8%), GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 5.134 USD/người/năm, mức lương tối thiểu tăng 29,5% so với thời điểm năm 2013 dẫn đến mức thu nhập thực tế, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện nên nhu cầu mua sắm, sửa chữa nhà của người dân tăng nên góp phần làm giá đất trên địa bàn tăng lên.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội về bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024. |
Tại Bảng giá đất giai đoạn 2014 – 2019, nguyên tắc tính giá đất đối với các thửa đất tiếp giáp từ 3 tuyến đường, phố trở lên có đặt tên chưa được quy định. Một số tuyến đường đã có tên trong Bảng giá đất nhưng điểm đầu và điểm cuối chưa thể hiện được đầy đủ chiều dài của tuyến đường gây khó khăn khăn khi xác định giá đất; Một số tuyến đường mới được đặt tên theo Nghị quyết của HĐND nhưng chưa được bổ sung trong Bảng giá. Việc phân loại các loại đất chưa đầy đủ trong Bảng giá đất gây khó khăn trong việc xác định giá đất.
Từ những phân tích dựa trên tình hình thực tế, để tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP, UBND TP đã xem xét và thống nhất mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường với mức tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 – 2019. Song trong Bảng giá đất mới, đất nông nghiệp vẫn được giữ nguyên mức giá như quy định tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP.
Theo Tờ trình của UBND TP, mặc dù giá đất khảo sát thị trường tăng cao so với mặt bằng chung trong bảng giá nhưng Bảng giá mới được xây dựng, điều chỉnh phải đảm bảo: Đúng quy định của pháp luật về khung giá đất, nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất do Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính quy định theo Luật Đất đai năm 2013. Từng bước bảo đảm sự cân đối về giá đất đối với các khu vực giáp ranh giữa nội thành với huyện ngoại thành; góp phần bình ổn về giá nói chung, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá đất trên thị trường; đảm bảo sự cân đối về giá giữa các vùng, miền, địa phương trên địa bàn TP.
Trình bày báo cáo thẩm tra của HĐND TP, Trưởng ban KT-NS HĐND TP Hồ Vân Nga cho biết: Theo bảng giá đất mới, giá đất ở tại đô thị thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm có giá cao nhất là 187.920.000đ/m2 nằm trong khung giá tối đa của Chính phủ quy định; giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông là 4.554.000đ/m2. Giá đất ở đô thị tại các phường của thị xã Sơn Tây có giá tối đa là 19.205.000đ/m2, giá tối thiểu là 1.449.000đ/m2. Giá đất ở tại các thị trấn thuộc các huuyện có giá tối đa là 25.300.000đ/m2, giá tối thiểu là 1.430.000đ/m2.
Thảo luận về vấn đề này, ĐB Dương Thị Hằng (tổ ĐB huyện Gia Lâm) đánh giá Bảng giá đất mới phù hợp với giá thị trường, thực hiện trong khung giá đất mà Chính phủ quy định. Hiện nay cử tri quan tâm giá đất nông nghiệp trên địa bàn TP không có điều chỉnh tăng. Qua thực tế cho thấy, việc thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội TP là rất lớn, tác động đến đời sống của người nông dân Thủ đô. TP đã có những chính sách hỗ trợ để giúp đời sống nông dân ổn định hơn song ĐB vẫn kiến nghị TP cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa để tạo điều kiện tốt nhất cho những người nông dân có đất nông nghiệp bị thu hồi.
ĐB Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) cho rằng với mức điều chỉnh tăng 15%, Bảng giá đất lần này sẽ không tác động quá lớn đến đời sống của người dân Thủ đô, tương đồng với mức lạm phát của 5 năm vừa qua. Song nhìn với góc độ sản xuất kinh doanh, mức giá nhà trên thị trường đang rất cao, cho nên việc điều chỉnh bảng giá đất này sẽ không kỳ vọng sẽ sát giá thị trường đất hiện nay.
Đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đất ở, theo số liệu báo cáo của Cục Thuế Thành phố: Tiền thuế thu được từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phi nông nghiệp năm 2019 khoảng 369,8 tỷ đồng với mức tăng khoảng 15% tương úng khoảng 57,70 tỷ đồng phân bổ trên 1,3 triệu hộ dân Thủ đô phải nộp thuế, mỗi năm 1 hộ dân đóng thêm 44.385 đồng. Đồng thời, theo chu kỳ ổn định của khoản thuế này, đến ngày 01/01/2022 mời phải thực hiện điều chỉnh theo Bảng giá mới, do đó tác động của việc tăng giá đất ở tại Bảng giá sẽ không tác động nhiều.
Tại Kỳ họp 12 của HĐND TP khóa XV, có 94/94 đại biểu (đạt 100% đại biểu có mặt) tán thành thông qua Nghị quyết về các loại giá đất trên địa bàn TP Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024.
Thông qua Nghị quyết về sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 12 huyện, thị xã
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 12 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019.
Theo tờ trình của UBND TP, hiện nay, toàn Thành phố có 7.968 thôn, tổ dân phố (2.510 thôn và 5.458 tổ dân phố). Tổng số thôn tổ dân phố trong diện phải sáp nhập theo quy định là 4115. Trong đó: 223 thôn (có số hộ gia đình dưới 150 hộ); 3892 tổ dân phố (có số hộ gia đình dưới 225 hộ gia đình).
Nhìn chung, hệ thống thôn, tổ dân phố thuộc thành phố Hà Nội đã thể hiện vai trò là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để tổ chức, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, duy trì bản sắc và truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, của dân tộc.Tuy nhiên, quy mô của các thôn, tổ dân phố vẫn có sự khác biệt, dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức hội họp của chính quyền xã, phường đối với thôn, tố dân phố còn gặp khó khăn và hiệu quả chưa cao.Tại một số phường, nhiều tổ dân phố có quy mô số hộ nhỏ, số lượng đảng viên và thành viên của các đoàn thể ít, không đủ điều kiện để thành lập các tổ chức này theo địa bàn tổ dân phố, mà phải tổ chức theo liên tổ dân phố dẫn đến hiệu quả hoạt động của chi bộ đảng và đoàn thể ở một số cơ sở còn chưa cao, chưa phát huy được sự chủ động, tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Thông báo số 2311-TB/TU ngày 22/11/2019 và của Thường trực Thành ủy tại phiên họp ngày 2/12/2019, theo đó xem xét phương án kiện toàn thôn, tổ dân phố đối với những tổ dân phố mới thành lập có quy mô từ 450 hộ gia đình trở lên, vì vậy ngày 3/12/2019, UBND Thành phố đã có Tờ trình số 287/TTr-UBND trình HĐND Thành phố về việc chưa xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019 tại kỳ họp lần thứ 11, HĐND Thành phố khóa XV. UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá lại các phương án sáp nhập, đặt tên các thôn, tổ dân phố đã trình HĐND Thành phố; xem xét, nghiên cứu xây dựng phương án sáp nhập, đặt tên thôn tổ dân phố để thành lập thôn, tổ dân phố có quy mô phù họp theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Thông báo số 2311-TB/TU ngày 22/11/2019 và của Thường trực Thành ủy tại phiên họp ngày 2/12/2019 báo cáo UBND Thành phố để trình HĐND Thành phố.Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại phiên họp ngày 23/12/2019 về việc kiện toàn toàn thôn, tổ dân phố năm 2019, UBND Thành phố kính trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, ban hành nghị quyết thông qua việc kiện toàn thôn, tổ dân phố của 12 huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội năm 2019, bao gồm huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Mê Linh, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Trì, Thường Tín và Thị xã Sơn Tây.Tại kỳ họp, trên cơ sở hồ sơ trình của UBND TP kèm theo tờ trình của UBND TP, Ban Pháp chế cơ bản đồng ý với phương án sáp nhập, đặt tên, đổi tên các thôn, tổ dân phố tại 12 huyện, thị xã trên địa bàn TP năm 2019. Cụ thể như sau: Số thôn, tổ dân phố thực hiện sáp nhập là 263 thôn, 85 tổ dân phố. Số thôn, tổ dân phố thành lập mới sau khi sáp nhập là 123 thôn, 36 tổ dân phố. Số thôn, tổ dân phố đổi tên là 53.