Trong ngày làm việc thứ ba Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã xem xét và thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Đồng tình với quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: “Kết luận này là một sự cảnh tỉnh nghiêm khắc đối với những người làm công tác quản lý, lãnh đạo nhất là những cán bộ cao cấp, phải hết sức cảnh giác với các biểu hiện suy thoái”.
Theo ông Thưởng, việc công bố công khai những sai phạm của một cán bộ cao cấp của Đảng là điều không ai muốn. Thế nhưng việc công khai những vi phạm, khuyết điểm của ông Đinh La Thăng đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ trong việc xử lý nghiêm những sai sót của cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào, ngành nào. Điều đó cũng cho thấy quyết tâm chiến lược của Đảng trong việc chống biểu hiện tiêu tực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, liên quan đến việc “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” được Đảng và nhân dân ủng hộ.
Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Đinh La Thăng mặc dù có quá trình công tác gần 35 năm, có những đóng góp nhất định cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và những cơ quan, đơn vị ông giữ cương vị lãnh đạo nhưng trên cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 - 2011, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, tổ chức đảng và cá nhân ông, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng.
Theo dõi kết luận trên, ông Thưởng chia sẻ, không chỉ bản thân ông mà nhiều cán bộ, đảng viên cảm thấy buồn về những khuyết điểm lớn của những người giữ trọng trách lớn. Song, bên trong nỗi buồn đó, ông thấy niềm tin của mình được củng cố khi những khuyết điểm, tiêu cực đó đã được Đảng ngăn chặn.
Nhấn mạnh những sai phạm ở PVN và người đứng đầu là rất nghiêm trọng, ông Lê Quang Thưởng cho rằng, việc kỷ luật trách nhiệm là rất cần thiết, người giữ chức vụ càng cao thì phải chịu trách nhiệm càng lớn và không có “vùng cấm” trong Đảng.
“PVN là một trong những tập đoàn lớn, góp phần rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước, nay trong một giai đoạn phát triển lại xảy ra những vi phạm rất nghiêm trọng như vậy cho thấy việc quản lý khá lỏng lẻo, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Ông Đinh La Thăng cần phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011” – ông Thưởng nói.
Đảng ta có một nguyên tắc rất rõ ràng “có công thì thưởng, có tội thì phạt”, bên cạnh những cống hiến, đóng góp của ông Đinh La Thăng trong suốt hàng chục năm công tác thì Đảng cũng rất nghiêm khắc đối với những sai sót mà ông đã gây ra. Bởi điều đó không chỉ là bài học để cá nhân mắc sai phạm rút kinh nghiệm mà còn có ý nghĩa giáo dục cán bộ, đảng viên đương chức ngày nay phải tự suy ngẫm, điều chỉnh lại nhận thức, hành động của mình để không chỉ làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao mà còn phải trở thành tấm gương cho các cán bộ, đảng viên khác noi theo.
Từ những vụ việc liên quan đến cán bộ chủ chốt thời gian qua, ông Lê Quang Thưởng cũng cho rằng cần phải tăng cường kết hợp chặt chẽ giáo dục chính trị của Đảng với tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của người cán bộ, nhất là cán bộ giữ chức vụ cao; tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất một cách toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng vừa để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống; đồng thời, kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên cố tình sai phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước.
Đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, ngày 24/2: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”./.