Bến Nhà Rồng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Ảnh: Trần Tuấn |
Trong các cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm được cứu nước, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, cuộc ra đi vào năm 1911 của Người đã trở thành dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với lịch sử của cả dân tộc; đã mang đến cho Nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Cuộc hành trình vĩ đại ấy kéo dài suốt 30 năm, đi qua 4 châu lục với gần 30 quốc gia đã đưa Người đến với Chủ nghĩa Marx-Lenin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. Trong cuộc ra đi ấy, Người không chỉ mang khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân mà còn tìm thấy khát vọng xây dựng CHXH, phát triển đất nước giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khác biệt với những xu hướng cứu nước trước đó trên những điểm căn bản. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tìm một con đường tranh đấu chứ không đi cầu ngoại viện, không tìm sự giúp đỡ của nước ngoài, “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Điều đó đã thể hiện ý chí tự lực, tự cường và một khát vọng lớn, tầm nhìn thời đại. Người tin vào sức mạnh của toàn dân, chứ không phải lực lượng của một hai người, một nhóm người. Cùng với đó, Người luôn luôn đặt lên hàng đầu mục tiêu giải phóng dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước đồng thời lựa chọn phương pháp đấu tranh thích hợp đánh đổ hoàn toàn chế độ thực dân phong kiến tàn bạo. Con đường cứu nước không thể là tự phát mà phải là hành động tự giác, đoàn kết toàn dân tộc, do một Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo và Đảng cách mạng đó phải được trang bị lý luận khoa học. Lý luận khoa học đó là chủ nghĩa Marx-Lenin. Con đường cách mạng Hồ Chí Minh là độc lập, tự cường, sáng tạo. Hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình sáng tạo, vĩ đại trong tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử trong các chặng đường của cách mạng Việt Nam.Phân tích về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, với cuộc hành trình “tìm đường” (1911 - 1920), Người đã tìm thấy ánh sáng khoa học, chân lý cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Marx-Lenin); “mở đường” (1921 - 1930), Người dồn trí lực đưa chủ nghĩa Marx-Lenin vào phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị các yếu tố chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930); lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân - phong kiến; lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa; thực hiện khát vọng giải phóng và phát triển. Đó là một thắng lợi xưa nay chưa từng có trong lịch sử nước ta. Nhân dân từ thân phận nô lệ bước lên địa vị làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Chúng ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước quá độ lên CNXH và tiến hành đồng bộ công cuộc đổi mới.“Đó chính là tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện; là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, phát triển nhanh và bền vững”- PGS.TS Bùi Đình Phong nhấn mạnh.Sáng ngời tư tưởng “vì dân”Tại Hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức mới đây, ôn lại cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) một lần nữa nhắc lại mong muốn của Bác đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong thời điểm hiện nay, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần tiếp tục được các cấp, các ngành, các đơn vị đẩy mạnh theo hướng thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo những lời căn dặn, quý báu của Người. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm “Dân là gốc”, coi Nhân dân là chủ thể của công cuộc đổi mới. Cùng với đó, tiếp tục kiên định với đường lối đổi mới, khơi dậy khát vọng, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần sáng tạo, sức mạnh con người Việt Nam lập nên những kỳ tích phát triển mới, thực hiện thành công tâm nguyện của Bác.