Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký ức của luật sư Mỹ và câu chuyện phụ nữ đóng góp cho hòa bình

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Cuộc gặp ngoại giao Mỹ-Việt năm 1965 tại Jarkarta đã để lại ấn tượng sâu sắc cho nữ luật sư Nancy Hollander, bấy giờ là một nữ sinh 21 tuổi.

Ngày 13-18/7/1965, phái đoàn 10 phụ nữ Mỹ cùng phái đoàn 5 thành viên Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã gặp gỡ tại Jarkarta, đánh dấu cuộc ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ thông qua nước thứ 3 được thực hiện bởi những người phụ nữ.

Tại cuộc gặp, thành viên từ mỗi nhóm đã báo cáo tình hình quê nhà và đưa ra diễn biến cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Qua đó, phụ nữ Mỹ đã hiểu rõ hơn về con người Việt Nam, sự chia cắt đất nước và tình hình chiến tranh ở Việt Nam. Họ đã giải thích những rào cản gặp phải khi cố gắng thuyết phục Chính phủ Mỹ kết thúc chiến tranh tại Việt Nam. Đồng thời từ nghiên cứu những văn bản và nguồn tài liệu được cung cấp bởi nhóm phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Mỹ đã có thêm luận cứ để cùng đấu tranh vì hòa bình.

Hơn nửa thế kỷ sau sự kiện lịch sử này, luật sư Mỹ Nancy Hollander, thành viên của phái đoàn Mỹ trong cuộc gặp Jarkarta 1965 ngày 7/3/2019 đã chính thức trao trả hiện vật của cuộc gặp mặt ngoại giao nhân dân nói trên cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nhân dịp lễ trao trả kỷ vật, nữ luật sư Mỹ đã chia sẻ về lý do bà quay lại Việt Nam và ý nghĩa của cuộc gặp Jarkarta năm 1965.

 Luật sư Nancy Hollander và bà Nguyễn Thị Bình (giữa) trong Lễ trao tặng kỷ vật ngày 7/3. 

Chia sẻ với báo giới, bà Nancy cho biết, bản thân lúc đó là cô sinh viên 21 tuổi đã hiểu hơn về cuộc chiến tranh tại Việt Nam và thay đổi nhận thức sâu sắc, đặc biệt là sau cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam, trưởng phái đoàn phụ nữ miền Nam Việt Nam năm đó.

Cuộc hội thoại với bà Nguyễn Thị Bình thời điểm đó cũng như sự kiện tại Jarkarta có ý nghĩa và tác động tới bà ra sao?

Thời điểm đó tôi là học sinh và chẳng có tiền để tham dự chuyến đi. Thời điểm đó anh trai tôi đưa tiền tiêu còn còn phái đoàn trả tiền cho vé máy bay, Tổ chức phụ nữ đấu tranh vì hòa bình (WSP) của Mỹ đã tự quyên góp số tiền cho sự kiện đó.

Tôi vẫn nhớ lúc đó bà Bình nói hai miền Nam – Bắc đều là một, đều là gia đình nhưng không thể đoàn tụ tại Việt Nam lúc đó do chiến tranh. Phụ nữ miền hai miền cũng bị chia cắt. Sự kiện tại Indonesia năm đó cũng là cơ hội cho họ hội ngộ và chúng tôi rất vinh dự được làm cầu nối cho việc đó.

Sau cuộc hội thoại với bà Bình, trở về Mỹ tôi cảm thấy bản thân có thêm lý do và động lực để giúp cuộc chiến này kiến thúc và phải đến 10 năm sau đó nó mới kết thúc.

 Một số tư liệu, kỷ vật trong số hơn 450 tư liệu khác ghi lại dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa phụ nữ Mỹ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (miền Bắc) và Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam.

Lý do khiến bà trao trả lại những kỷ vật này cho Việt Nam?

Tôi muốn trao trả lại những kỷ vật này để những người trẻ, những người tới bảo tàng hiểu rằng phụ nữ Việt Nam đã trải qua giai đoạn lịch sử thế nào, và phụ nữ hai bên đã đóng góp như thế nào vào tiến trình hòa bình hai nước.

Kỷ vật nào có ý nghĩa với bà nhất?

Bức ảnh của tôi cùng bà Bình chụp tại Indonesia và chiếc khăn tôi có từ Việt Nam là những kỷ vật ý nghĩa nhất. Tôi luôn kể với những người quen về chúng.

Chuyển nhà 4 lần nhưng tôi luôn mang những tài liệu này bên mình, bởi tôi nghĩ nó rất quan trọng và tôi luôn biết một ngày nào đó tôi sẽ đem chúng quay trở lại Việt Nam.

Tôi đã rất ấn tượng với bà Bình và những gì bà nói về những gì trải qua tại Việt Nam.  Ngay khi trở về từ cuộc gặp gỡ tại Jarkarta năm 1965, tôi đã lưu giữ tất cả kỷ vật này. Sau đó bộ sưu tập này tiếp tục dày lên bởi phụ nữ hai nước tiếp tục giữ liên lạc, trao đổi thư từ. Khi gặp lại bà Bình năm 1998, tôi chưa biết ai có thể liên quan đến bảo tàng để trao trả cho phía Việt Nam và đưa những kỷ vật này ra công chúng vào thời điểm đó, cho đến tận hiện nay.

 Bức ảnh chụp bà Nguyễn Thị Bình và bà Nancy khi tham dự cuộc gặp tại Jarkarta, Indonesia năm 1965.

Cảm xúc của bà khi được gặp lại bà Nguyễn Thị Bình tại Việt Nam lần này, trong lễ trao trả kỷ vật?

Cho đến nay, chúng tôi là hai người duy nhất còn sống trong phái đoàn năm đó.

Khi lần đầu tôi gặp bà Bình tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ gặp lại nhau trong hòa bình và giờ thực sự là như thế. Tôi rất vui vì chúng tôi vẫn là bạn sau suốt hơn 50 năm, và chúng tôi vẫn có nhiều thứ để làm cùng nhau vì một thế giới hòa bình.

Xin cảm ơn bà!

Trước khi trở thành nữ luật sư hình sự người Mỹ nổi tiếng thế giới, cô nữ sinh Nancy đã trải nghiệm nhiều hoạt động với nhiều tổ chức vì hòa bình, trong đó có việc tham gia phong trào ủng hộ hòa bình cho Việt nam. Cuộc gặp gỡ tại Jarkarta năm ấy đã ảnh hưởng lớn đến nhận thức Nancy: “Tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân là một người thuyết trình cho đến buổi tối ở Powder Hill, khi tôi nhận ra rằng có những điều để nói, có thể nói và nên nói. Đó là một ví dụ về sức mạnh mới mà tôi cảm thấy sau khi trải nghiệm sức mạnh và lòng can đam của những người phụ nữ Việt Nam-những người đã bị chiến tranh tàn phá suốt 25 năm. Khi mà cuộc chiến này hay tất cả các cuộc chiến tranh khác còn làm đen tối trái đất này thì những người phụ nữ của nước Mỹ cũng cần phải tham gia vào cuộc đấu tranh: chúng tôi cũng phải sẵn lòng hy sinh thời gian và sức lực để biến đất nước này cũng như các nước khác thành nơi đáng sống cho trẻ em” (tạm dịch từ lá thư bà Nancy Gitlin gửi ông Leonard ngày 24/8/1965 từ Chicago, Illinois).