Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ vật của Bác với bạn bè quốc tế

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), bạn bè quốc tế đã trao tặng nhiều hiện vật quý hiếm về Bác cho các bảo tàng. Các hiện vật đã góp phần phác họa nhân cách cao đẹp của Người, tạo nên giá trị nhân văn mà mỗi cá nhân có thể học tập, noi theo.

Bức tượng đặc biệt ở nhà tù Côn Đảo
Triển lãm chuyên đề “Hồ Chí Minh – Những nét phác họa chân dung” đang diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh giới thiệu tới công chúng nhiều câu chuyện về Bác Hồ thông qua các hiện vật. Khách tham quan có thể xem sổ lương của Người khi làm việc trên tàu Amiral Latouche Tréville trong hành trình đi tìm đường cứu nước. Trên tài liệu này có ghi rõ tên Văn Ba – chàng thanh niên làm công tác trên tàu với mức lương 45 Franc/tháng. Trong sổ lương này còn ghi, Nguyễn Tất Thành làm việc trên tàu 27 ngày.
Ngoài cuốn sổ lương của chàng thanh niên Văn Ba, một trong số những hiện vật được quan tâm là bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà tù Côn Đảo. Bức tượng được các chiến sĩ cộng sản bí mật cất giấu, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp mang ra Côn Đảo. Bức tượng trở thành một trong những nguồn động viên tinh thần lớn lao của các chiến sĩ cộng sản ở chốn lao ngục. “Thời điểm đó, vào dịp tổ chức kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ, các chiến sĩ thường đặt bức tượng với tinh thần kính trọng, trang nghiêm” -Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Phạm Thị Thanh Mai cho biết.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Lại Tấn
Tuy nhiên, sau đó, bức tượng bị phát hiện và giám ngục Paul Atoine Miniconi (người Pháp) thu giữ, đem về Pháp. Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được giám ngục trân trọng, gìn giữ trong gia đình. Trước khi mất, ông đã để lại bức tượng cho người con trai Paul Miniconi, người đã từng sống ở nơi làm việc của cha mình tại Côn Đảo vào thế kỷ trước.
Tháng 12/2019, ông Paul Miniconi cùng với nhà sử học Pháp Frank Senateur đã tặng bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Thiệp. Ông Thiệp đã bàn giao bức tượng này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản lưu giữ và phát huy giá trị.
Chiếc mũ len của Pierre Biquard
Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đang trưng bày chiếc mũ len của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lại cho ông Pierre Biquard vào ngày 2/1/1969 khi ông cùng đoàn Phong trào Hòa bình Pháp thăm Việt Nam. Câu chuyện về chiếc mũ len là biểu tượng cho tấm lòng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế và ngược lại.
Theo lời kể của con gái lớn của ông Pierre Biquard - bà Claire Biquard, thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 79 tuổi và phải hạn chế các cuộc tiếp đón. Khi chia tay đoàn, thấy ông Pierre Biquard không có mũ, trong khi thời tiết lúc đó rất lạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy chiếc mũ len của Người đưa cho ông và nói: “Anh hãy đội mũ vào, bên ngoài rất lạnh”. Ông Pierre Biquard nhìn chiếc mũ và nói: “Thưa Chủ tịch, chiếc mũ quá nhỏ với đầu của tôi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Vậy anh cứ giữ lấy như một kỷ niệm”.
“Bố tôi đã rất tự hào về lần gặp mặt với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiếc mũ đã trở thành một phần quan trọng trong di sản chung của gia đình chúng tôi” – bà Claire Biquard chia sẻ. Suốt 47 năm qua, chiếc mũ len được giữ gìn và nâng niu trong gia đình Biquard.
Bà Catherine Biquard, con gái thứ hai của ông Pierre Biquard cho biết: “Chúng tôi đã giữ gìn chiếc mũ cẩn thận. Có nhà sưu tập từng liên hệ đề nghị mua chiếc mũ nhưng chúng tôi không đồng ý và mong muốn đưa chiếc mũ về đúng vị trí của nó ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, ở đất nước các bạn”.
Câu chuyện về chiếc mũ len là minh chứng sâu sắc cho lòng ngưỡng mộ của những người yêu chuộng hòa bình Pháp với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiếc mũ như cầu nối hữu nghị giữa người dân Pháp - Việt.