Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng của cử tri

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (ngày 22/10), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp được diễn ra ngay sau thành công của Hội nghị T.Ư 8 với việc thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; vấn đề trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên.

 Sau mỗi kỳ họp, cử tri lại mong rằng, các hoạt động của Quốc hội tiếp tục gần dân, sát dân hơn nữa
Và trước rất nhiều vấn đề thực tế đang đặt ra, Kỳ họp được cử tri và người dân kỳ vọng sẽ đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội; xây dựng các chính sách pháp luật phù hợp, khả thi để góp phần quản lý, điều hành hiệu quả các mục tiêu đề ra.
Gửi tâm tư tới Quốc hội, nhiều cử tri bày tỏ sự vui mừng khi trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử. Nhiều sai phạm cán bộ lợi dụng chức vụ để tham nhũng, vi phạm pháp luật đã được kết luận và xử lý nghiêm minh... Nhưng cử tri vẫn lo lắng khi việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm; việc làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách Nhà nước chưa được kịp thời. Rồi những băn khoăn khi tình trạng “tham nhũng vặt” chưa giảm, người dân vẫn phải chi trả những chi phí ngoài khi thực hiện thủ tục hành chính. Và những lo lắng về chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa đảm bảo; bức xúc, phức tạp phát sinh trong đời sống xã hội liên tục diễn ra nhưng vẫn chưa được giải pháp khả thi để khắc phục triệt để...
Trước rất nhiều vấn đề lớn đang đặt ra ấy, cử tri mong Quốc hội cần quan tâm và đi đến tận cùng của sự việc. Mỗi đại biểu Quốc hội, người đại diện cho tiếng nói của cử tri nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực, tích cực tham gia góp ý kiến, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri tới nghị trường. Đơn cử như một nội dung rất được quan tâm tại Kỳ họp này là lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Cử tri chờ đợi những lá phiếu đánh giá rõ, phản ánh đúng thực trạng các bộ, ngành và cũng phù hợp, đúng với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Bởi đây không chỉ là cuộc “sát hạch” giữa nhiệm kỳ của Quốc hội đối với các chức danh, mà còn là dịp để cử tri “sát hạch” chính các đại biểu sự khách quan, trung thực và công bằng.
Bước vào một kỳ họp mới, một kỳ họp chắc chắn tinh thần tranh luận sẽ được đẩy cao hơn, hy vọng rằng Quốc hội và các đại biểu không phải nói cho qua, làm cho có, mà sẽ phát huy trí tuệ cao nhất, để có những cái nhìn thấu đáo nhất, xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ sẽ tìm ra được những giải pháp thực sự đột phá cho mọi vấn đề chiến lược và cả bức thiết đặt ra. Và hơn thế, tiếp sau mỗi kỳ họp, cử tri lại mong rằng, các hoạt động của Quốc hội tiếp tục gần dân, sát dân hơn nữa; nghị trường Quốc hội thực sự trở thành diễn đàn đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, ngày càng sôi động và tràn đầy mang “hơi thở” cuộc sống.