Trong đó đáng chú ý là việc gộp lĩnh vực ngoại giao, ngoại thương và du lịch vào một khối. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1958 tại Pháp, hai lĩnh vực ngoại thương và du lịch được chuyển từ Bộ Kinh tế sang Bộ Ngoại giao với mục tiêu triển khai sâu rộng, có hiệu quả các biện pháp ngoại giao kinh tế. Theo đó, từ nay, các Tham tán kinh tế trong các đại sứ quán Pháp sẽ trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Điều đáng nói là, không kể các Quốc vụ khanh vừa được bổ nhiệm, Nội các của tân Thủ tướng Manuel Valls chỉ có 16 Bộ trưởng, gọn nhẹ hơn nhiều so với con số 40 Bộ trưởng trong Nội các của người tiền nhiệm Jean-Marc Ayrault. Đây có thể coi là bước đi đầu tiên của ông Valls trong việc thực hiện “Thỏa ước trách nhiệm” – kế hoạch điều hành đã giúp vị Thủ tướng 51 tuổi này nhận được sự ủng hộ của Quốc hội và cử tri. Với bộ máy Chính phủ tinh gọn, Thủ tướng Valls hy vọng, từ nay đến năm 2017, sẽ tiết kiệm được 50 tỷ Euro cho chi tiêu công. Ngoài ra, ông Valls cũng đề nghị cắt giảm chi phí lao động 30 tỷ Euro đến năm 2016 để khuyến khích tuyển thêm lao động.
Trong bối cảnh, số người thất nghiệp đã tăng lên mức kỷ lục hơn 3 triệu người, nền kinh tế yếu kém, mức sống của người dân suy giảm nghiêm trọng, uy tín của đảng Xã hội cầm quyền đã bị suy giảm nghiêm trọng. Để tránh một cuộc “trừng phạt bằng lá phiếu” tương tự như kết quả thảm hại trong cuộc bầu cử hôm 30/3 sẽ tái diễn trong tương lai, Tổng thống Francois Hollande đã giao trọng trách lấy lại niềm tin của cử tri cho cựu Bộ trưởng Nội vụ Valls. Rõ ràng, Điện Elyseé đã thấy được thông điệp rõ ràng mà cử tri đã gửi gắm qua cuộc bầu cử toàn quốc nhưng Chính phủ tinh gọn nhất trong lịch sử nhà nước Cộng hòa của tân Thủ tướng Manuel Valls có đáp ứng được kỳ vọng của người dân Pháp hay không vẫn là câu hỏi cần nhiều thời gian mới có thể giải đáp được.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) và tân Thủ tướng Manuel Valls. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|