Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng từ chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Trump đến Hà Nội khẳng định quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ và các lợi ích chiến lược ngày càng tăng giữa 2 nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị có chuyến công du châu Á từ 3 - 14/11 qua các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, trong đó có tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng và thăm chính thức Việt Nam.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, chuyến công du của Tổng thống nhằm nhấn mạnh cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác lâu năm ở khu vực và tái khẳng định sự lãnh đạo của Mỹ trong việc tăng cường một khu vực châu Á - Thái Bình Dương tự do, cởi mở.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chuyến công du đầu tiên tới châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 11 được dư luận quốc tế và giới chuyên gia kỳ vọng là cơ hội để Washington thể hiện được tầm nhìn mới về chính sách đối ngoại với châu Á - Thái Bình Dương, vốn rất được các đồng minh và đối tác trong khu vực chờ đợi sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ thay thế người tiền nhiệm Obama.
Đặc biệt, TS Patrick M. Cronin, chuyên gia tư vấn cao cấp kiêm Giám đốc của Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương, Trung tâm Nghiên cứu New America Security cho rằng, việc xuất hiện tại Tuần lễ cấp cao APEC có thể giúp ông Trump tạo ra một tầm nhìn hấp dẫn trong việc hợp tác với các nền kinh tế thành viên.
Tại Tuần lễ cấp cao APEC, Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu về tầm nhìn của Washington, về vai trò của khu vực trong nền kinh tế, nhấn mạnh việc cải cách nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử, thương mại số và vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ hiện vẫn giữ được vô số đòn bẩy để hỗ trợ các cơ hội phát triển kinh tế của châu Á. Lời kêu gọi của Tổng thống Trump về các thỏa thuận thương mại, đầu tư song phương công bằng có thể làm nổi bật những tiêu chuẩn cao và tính minh bạch mà Washington đang theo đuổi để giúp củng cố một khu vực châu Á - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, ông Cronin cho biết thêm. 
Không chỉ vậy, APEC tại Đà Nẵng còn là cơ hội để các nền kinh tế thành viên mở ra các khuôn khổ hợp tác mới ở tầm khu vực. Tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono cho biết, Tokyo muốn thiết lập khuôn khổ đối thoại cấp cao giữa Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia để 4 cường quốc này cùng thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh trên Biển Đông, Ấn Độ Dương và các tuyến đường tới châu Phi. "Đề xuất này không chỉ rất tích cực cho Nhật mà còn cho cả Mỹ, Ấn Độ và Australia. Khi được hoàn thiện, đó cũng là điều tốt đẹp cho tất cả các nước ở Đông Nam Á" - GS Yoichi Shimada, Đại học Fukui, Nhật Bản nhận xét
Ngoài ra, chuyến thăm chính thức của Tổng thống Trump Hà Nội là để khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện song phương Việt - Mỹ và các lợi ích chiến lược ngày càng tăng giữa 2 quốc gia. Đặc biệt, GS Carl Thayer - Học viện Quốc phòng Australia cho biết, trong chuyến thăm đến Hà Nội, Tổng thống Trump sẽ lưu ý nhiều đến vấn đề kinh tế. “Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo của Việt Nam về việc đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương, tăng cường việc tiếp cận nhiều hơn với các công ty Mỹ và sẵn sàng bàn bạc các mối quan hệ kinh tế song phương” - GS Thayer cho biết.