Trong 4 năm cầm quyền của nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Abe được cho là sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách hơn bởi sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới ngày càng trở nên bất ổn hơn. Thừa nhận những sự phục hồi kinh tế có vai trò quyết định trong việc đạt được các mục tiêu quan trọng như an ninh quốc gia và thực hiện các cải cách quyết liệt nhất kể từ Thế chiến thứ II, ông Abe đã cam kết sẽ mở cửa thị trường và sắp xếp lại những quy định đang cản trở khả năng cạnh tranh của Nhật Bản. Với những kỳ vọng tương lai đó, Thủ tướng Nhật cho rằng, việc sửa đổi hiến pháp, vốn được lên kế hoạch sẽ tiến hành vào năm 2015 sẽ góp phần tái định hình tương lai của đất nước Mặt trời mọc. Dù chưa rõ hiến pháp sau khi được sửa đổi có giúp cải thiện và gia tăng sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quốc phòng của Nhật Bản hay không nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã có cái nhìn lạc quan hơn đối với triển vọng trung hạn của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Những kỳ vọng về các gói kích thích khổng lồ sẽ được tung ra trong năm tới cũng như giá cổ phiếu của các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã trở về mức giá không thể hợp lý hơn là các yếu tố hấp dẫn giới đầu tư. Tất nhiên những lo ngại về sự giảm tốc của GDP trong 2 quý liên tiếp vừa qua và nguy cơ của tình trạng già hóa dân số vẫn còn đó nhưng người dân Nhật Bản tin rằng, gói nới lỏng trị giá lên tới 25 tỷ USD được tung ra vào năm tới và kế hoạch hoãn tăng thuế tiêu thụ sẽ giúp cải thiện tình trạng tài chính của các hộ gia đình, kích thích chi tiêu. Chương trình cải cách quyết liệt được thực hiện trong thời gian tới có thể gây ra không ít sự xáo trộn nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ, bởi cử tri Nhật Bản tin rằng, đó là bước đi cần thiết đề hồi sinh nền kinh tế vốn đã rơi vào tình trạng “lão hóa” gần 20 năm qua.