Bởi hiện nay, nhiều "ông lớn" trong các lĩnh vực cũng đã quan tâm chuyển hướng sang đầu tư vào nông nghiệp.
Chưa hết khó khăn
Thời gian qua, nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành nhưng việc triển khai vào thực tiễn còn nhiều khó khăn. Đơn cử như Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mặc dù ra đời từ cuối năm 2013 nhưng mãi gần đây mới có được thông tư hướng dẫn. Thế nhưng, khi có thông tư hướng dẫn, các địa phương, bộ, ngành lại không có nguồn lực để thực hiện. Hơn nữa, hiện vẫn thiếu một đầu mối hỗ trợ các DN đầu tư và thiếu kênh kết nối DN Việt Nam với giới đầu tư toàn cầu.
Thực tế, hoạt động đầu tư vào nông nghiệp của DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình chia sẻ, hiện nay, lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn cao nên nguồn huy động vốn cho các dự án của DN còn hạn chế. Theo ông Báo, vòng quay của sản xuất nông nghiệp nhanh cũng phải 6 tháng, dài thì nhiều năm, thậm chí 5 - 10 năm như đối với dự án trồng cây công nghiệp, cây ăn quả. Tuy nhiên, cách tính lãi suất ngân hàng với dự án nông nghiệp vẫn bình thường như các lĩnh vực khác gây thiệt thòi cho DN.
Thêm vào đó, trình tự thủ tục về đất đai cho những dự án về nông nghiệp cũng đang gặp khó, thủ tục đầu tư dự án xây dựng cơ bản mất khá nhiều thời gian. Ông Nguyễn Trí Ngọc - Tổng Thư ký Tổng Hội NN&PTNT Việt Nam nhận định, nhiều năm nay, cả đầu tư của DN FDI và DN trong nước vào nông nghiệp rất thấp. Ngay cả chương trình xây dựng nông thôn mới, ban đầu kỳ vọng các DN sẽ tích cực tham gia vào chương trình với khoảng 20% tổng giá trị đầu tư của toàn xã hội nhưng tới nay mới chỉ đạt 6%.
Bộ sẽ góp vốn cùng doanh nghiệp
Tới đây, Việt Nam sẽ tham gia các hiệp định thương mại tự do, áp lực tác động tới ngành nông nghiệp là không hề nhỏ bởi sự cạnh tranh của các tập đoàn, DN lớn nước ngoài. Trong bối cảnh đó, điều đáng ghi nhận là thời gian qua, một số DN tầm cỡ "đại gia" trong nước đã chuyển hướng sang đầu tư vào nông nghiệp. Và để đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ hơn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn phối hợp cùng một số đơn vị thành lập "Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn".
Trong đó tập hợp khá nhiều DN tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực khác của Việt Nam như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty CP Sữa TH True Milk, Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, FPT... Nhóm này có nhiệm vụ làm đầu mối để hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp cận và hưởng thụ các chính sách, dịch vụ công. Tại hội nghị gặp gỡ Bộ trưởng Cao Đức Phát mới đây, các DN trong nhóm đã giới thiệu nhiều ý tưởng, kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp trong năm 2015 và những năm tiếp theo với những siêu dự án từ triệu USD đến hàng tỷ USD. Như vậy, có thể nói, sự ra đời của "Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn" được coi là dấu mốc quan trọng nhằm thúc đẩy làn sóng mới của đầu tư tư nhân vào nông nghiệp.
Sự nhập cuộc của các "ông lớn" góp phần giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Tại buổi làm việc với các DN trong nhóm, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo các tổng cục, cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ ngay lập tức phối hợp với các DN để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như thuế, công nhận giống, đất đai... để các dự án sớm được triển khai. Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ góp vốn cùng DN để triển khai các dự án nếu DN thiếu nguồn lực. Với những thông tin ấy, người ta đang đón chờ những tín hiệu khởi sắc ngoạn mục của ngành nông nghiệp trong năm nay.
Nhà sơ chế rau an toàn của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Tâm Đức Tín mới đầu tư tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện
|