Chỉ khi năng suất của họ tăng 3,7 lần, bắt kịp với khu vực đầu tư nước ngoài, thì Việt Nam mới trở thành quốc gia thu nhập cao.
Tăng cường phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học được cho là giải pháp hữu hiệu hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên nhanh chóng bắt kịp những yêu cầu của thị trường lao động sau khi tốt nghiệp, tăng năng suất lao động. Song thực tế cho thấy, không phải cơ sở giáo dục nào cũng thực hiện tốt việc phối hợp đào tạo mang lại hiệu quả cao.
Kỹ năng cần thiết cho việc làm đang thay đổi với tốc độ chóng mặt
Trưởng Nhóm Công tác Nguồn nhân lực, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) Colin Blackwel cho rằng, trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, các kỹ năng cần thiết cho việc làm đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Công nghệ đã loại bỏ nhiều công việc truyền thống mà trước đây là điểm khởi đầu nghề nghiệp cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp.
“Mặc dù tổng thể cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp ít hơn nhưng cũng có một nghịch lý là sự thiếu hụt kỹ năng toàn cầu. Có rất nhiều sinh viên sau tốt nghiệp cạnh tranh với lượng công việc nhỏ hơn. Người sử dụng lao động cũng nói rằng các kỹ năng họ yêu cầu không có sẵn. Đây không phải là điều mới nhưng sự thay đổi công nghệ nhanh chóng đã khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng. Trước đây đã có sự không phù hợp trong "kỹ năng tuyển dụng", giờ đây khoảng cách này đang ngày càng mở rộng”, ông Colin Blackwel cho biết và nhấn mạnh thêm rằng, đây là thách thức lớn mà ngành giáo dục cần giải quyết.
Trưởng Nhóm Công tác Nguồn nhân lực, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) nhận định, Việt Nam sẽ là một trong số ít quốc gia có nhiều khả năng thành công trong việc chuyển đổi từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao. Để trở thành một quốc gia giàu có và phát triển, Việt Nam cần lực lượng lao động có năng lực, điều này đòi hỏi phải có hệ thống giáo dục toàn diện.
Để trở thành một quốc gia giàu có và phát triển sẽ có nhiều khó khăn hơn. Việt Nam cần phải thực hiện đúng để đạt được điều này. Ngành giáo dục là một trong những ngành chủ chốt để thực hiện tiến trình quan trọng trên.
Theo ông Colin Blackwel, trước tiên cần xem xét năng suất lao động trong nền kinh tế Việt Nam. Một người Việt làm việc cho công ty nước ngoài ở Việt Nam có năng suất 3.7 lần cao hơn so với một người Việt làm việc cho công ty Việt Nam trong nước.
Các công ty Việt Nam, nhiều trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuê khoảng 80% lực lượng lao động quốc gia. Chỉ khi năng suất của họ tăng 3.7 lần, bắt kịp với khu vực đầu tư nước ngoài, thì Việt Nam mới trở thành quốc gia thu nhập cao. Do đó cần nhìn vào tiêu chuẩn của khu vực đầu tư nước ngoài ở Việt Nam để đặt tiêu chuẩn về kỹ năng tuyển dụng.
"Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài không muốn giữ bí mật về các phương pháp năng suất cao của mình. Việc chia sẻ các phương pháp này mang lợi ích cho mọi người. Khi năng suất chung của Việt Nam đạt được tiêu chuẩn thu nhập cao, thì các doanh nghiệp nước ngoài cũng trực tiếp hưởng lợi từ những doanh nghiệp trong nước, chuỗi cung ứng tốt hơn và một lực lượng lao động năng suất hơn. Từ đó, dễ dàng cho các công ty nước ngoài khi tiếp cận các ứng viên có khả năng làm việc tốt mà không cần phải đào tạo nội bộ.
Điều này đưa chúng ta trở lại với vấn đề giáo dục. Rõ ràng, việc giáo dục có những tiêu chuẩn phù hợp với kỹ năng tuyển dụng mà doanh nghiệp yêu cầu sẽ tốt hơn cho mọi người. Nhưng điểm mà tôi muốn nói ở đây là tiêu chuẩn mà chúng ta hướng đến là năng suất cao hơn và các tiêu chuẩn cao hơn của khu vực đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Điều này, một lần nữa, hoàn toàn có thể đạt được. Các doanh nghiệp trong nước cần đạt tiêu chuẩn phát triển của thế giới, chỉ khi các trường đại học Việt Nam cũng đạt được những tiêu chuẩn tiên tiến đó thì mới có thể xây dựng được lực lượng lao động chất lượng một cách nhất quán. Để làm được điều này, cần có mối liên kết mạnh mẽ giữa các trường đại học trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.
Đã có những trường hợp thành công giữa các trường đại học trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, nhưng cần phải có nhiều hơn nữa”, ông Colin Blackwel nhấn mạnh.
Các trường đại học trong nước cần làm quen với những hệ thống năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn quốc tế
Từ những thực tế trên, chuyên gia quốc tế này khuyến nghị thành lập các hội đồng cố vấn bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài cho các trường đại học địa phương. Ví dụ như liên kết các công ty công nghệ nước ngoài với các khóa học công nghệ của các trường đại học địa phương. Các doanh nghiệp có thể giúp tư vấn chi tiết về nội dung khóa học, chia sẻ công khai các yêu cầu công việc của họ.
Bên cạnh đó cũng cần giải quyết khoảng cách về "kỹ năng mềm" hay còn gọi là "kỹ năng có thể làm việc" hoặc "kỹ năng con người". Khi máy tính ngày càng giỏi trong những công việc máy tính, con người phải giỏi hơn trong những kĩ năng của con người. Kĩ năng tự nhiên không còn là điều đơn giản nhưng điều này có thể học. Các kỹ năng như sáng tạo, thuyết phục, lãnh đạo và tư duy phản biện cần phải được dạy. Những kỹ năng này nghe có vẻ mơ hồ và khó đo lường nhưng không khó như vậy. Các công ty nước ngoài ở Việt Nam đã sử dụng các hệ thống tiên tiến để đo lường năng lực con người.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc các trường đại học trong nước làm quen với những hệ thống năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn quốc tế là rất quan trọng. Bằng cách này, các trường đại học có thể chuẩn bị nội dung giảng dạy tốt hơn và chuẩn bị cho sinh viên của mình trước khi họ tham gia phỏng vấn lần đầu tiên với các công ty. Một lần nữa, các khung năng lực này không phải là điều bí mật và các công ty nước ngoài rất vui lòng chia sẻ chúng. Nếu sinh viên quen thuộc với các tiêu chuẩn đó, họ sẽ dễ dàng được tuyển dụng và đào tạo nhanh hơn, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Cuối cùng, cần có nhiều sự kiện nâng cao nhận thức về sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng nhận định rằng, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong nghiên cứu và đào tạo để có thể đáp ứng kịp thời và đầy đủ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho thị trường lao động.
Tính đến 31/3/2022, trong hơn 51,2 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 26,1% và tỷ lệ dân số có trình độ đại học là 11,1%.
Nguồn cung nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI được nhận định sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. Bên cạnh các dự án FDI hiện đang hoạt động, khỏang 3.188 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2023 sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn trong việc sử dung lao động. Chính vì vậy, các doanh nghiệp FDI cần phải liên kết, hợp tác với các cơ sở Giáo dục đại học tại Việt Nam trong tìm kiếm nguồn nhân lực, và các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam cần coi đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho sự phát triển của mình.