Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm gì để không tái diễn việc vận động học sinh không thi lớp 10?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những năm qua, mặc dù các cơ quan quản lý các địa phương luôn quán triệt tinh thần “tuyệt đối không vận động học sinh không thi lớp 10” nhưng hiện tượng này vẫn xảy ra, gây bức xúc dư luận. Giải pháp nào để tình trạng trên không tái diễn?

“Nóng” ở nhiều địa phương

Vài ngày nay, lá đơn xin không thi lớp 10 công lập của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) và việc không cho học sinh học lực chưa tốt tham gia lớp ôn thi lớp 10 tại Trường THCS Nghi Quang, THCS Tiến Thiết (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) gây xôn xao dư luận.

Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) là đơn vị phát hành đơn xin “không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10” (Ảnh: MXH)
Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) là đơn vị phát hành đơn xin “không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10” (Ảnh: MXH)

Cụ thể: sáng 11/5, lá đơn xin “không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10” do Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) phát hành được lan truyền trên mạng xã hội. Nội dung đơn xin ban giám hiệu nhà trường cho phép con không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và cam kết không khiếu nại. Theo lời người đăng tin, mẫu đơn được giáo viên chủ nhiệm phát cho học sinh, yêu cầu đưa phụ huynh ký với lý do học sinh có học lực kém nên phải tự nguyện cam kết không thi lớp 10.

Lên tiếng về sự việc, Phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn cho hay, ngành giáo dục TP không yêu cầu các trường vận động, ép học sinh không thi vào lớp 10 công lập. Sau vụ việc này, yêu cầu nhà trường tư vấn tuyển sinh cho học sinh đúng tinh thần chỉ đạo, Phòng GD&ĐT huyện đã họp nhắc nhở, kiểm điểm các cá nhân có liên quan để rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

Trước đó, một số phụ huynh ở Trường THCS Tiến Thiết và Nghi Quang (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) phản ánh, hơn 1 tuần qua con của họ không được đi ôn thi lên lớp 10. Lý do, nhà trường vừa tổ chức 2 đợt khảo sát môn toán, văn, ngoại ngữ. Những em nào đợt 1 tổng 3 môn 15 điểm; đợt 2 tổng 12 điểm mới được ôn thi lên lớp 10. Những em dưới mức điểm trên được hướng dẫn nộp hồ sơ trường tư hoặc dạy nghề. Phụ huynh của những học sinh không được đi ôn thi đã đến trường xin cho con đi ôn nhưng đều bị từ chối.

Để kịp thời xử lý sự việc trên, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã gửi công văn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, TP, thị xã, chỉ đạo phòng GD&ĐT thực hiện đúng chủ trương phân luồng, tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh.  Học sinh từ lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đều có quyền được tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Các Phòng GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn tất cả các trường THCS trực thuộc thực hiện việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9; hướng dẫn đầy đủ việc đăng ký thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT; các trường hỗ trợ phụ huynh, học sinh trong việc đăng ký, làm hồ sơ, tuyệt đối không được ngăn cấm học sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10.

Sở GD&ĐT Nghệ An cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các đơn vị trực thuộc, nếu phát hiện sai phạm phải có hình thức xử lý nghiêm. 

Cần sự vào cuộc của Bộ GD&ĐT

Từng rơi vào trường hợp được cô giáo gọi lên tư vấn con không nên thi lớp 10, chị Nguyễn Thị Dung kể lại: Cô tư vấn nhưng thực chất là “ép buộc”. Cô chê trách học lực của con, khẳng định con sẽ trượt 100%, không có khả năng đỗ công lập. Trước đó, cô cũng nói với con nhiều lần như vậy làm con không còn lòng tin vào bản thân, thấy xấu hổ với bạn bè và không muốn phấn đấu. Theo chị Dung, lời nói cô đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của con chị.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam: phải thực chất hơn trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, tiến tới học thật, thi thật

Nhìn vào vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam thẳng thắn: Hiện tượng vận động học sinh không thi lớp 10 công lập có nguyên nhân trực tiếp do các trường sợ mất thành tích phấn đấu suốt cả năm học cũng như lo ảnh hưởng danh tiếng của trường.

Hàng năm, dễ dàng bắt gặp ở cuộc họp, khi điểm về thành tích các trường THCS đều nhấn mạnh kết quả, điểm thi vào lớp 10 công lập, tỷ lệ đỗ lớp 10 công lập, thứ hạng điểm thi chia theo từng môn…. và coi đó mới là kết quả giáo dục thực chất. Từ đây, các trường đua nhau phấn đấu, tìm mọi cách phân luồng, tư vấn để loại học sinh yếu, kém tham dự kỳ thi lớp 10.

Góp ý về giải pháp loại bỏ hiện tượng trên, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trước hết, các tỉnh, thành cũng như các sở GD&ĐT nên bỏ hẳn hoặc không nhắc đến kết quả đỗ lớp 10 công lập và điểm thi lớp 10 của các nhà trường trong báo cáo hay trong các cuộc họp.

Điều quan trọng và cốt lõi, đó là phải thực chất hơn trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, tiến tới học thật, thi thật. Từng nhà trường phải phân công giáo viên theo sát học sinh, rà soát, phân loại học sinh theo từng năm học và có chương trình kèm cặp học sinh yếu kém ngay từ lớp đầu cấp chứ không thả lỏng, dồn đến lớp 9 mới phân loại, ôn tập liên miên như hiện nay.

Cùng với đó là xem xét lại quy trình xếp loại học tập và rèn luyện từng năm học; với những học sinh không cố gắng, thiếu ý thức, có biện pháp giúp đỡ nhưng không tiến bộ thì cho lưu ban để tiếp tục củng cố, rèn luyện. Nếu từng năm học làm chuẩn thì việc xét tốt nghiệp THCS cũng cho kết quả chuẩn; không còn hiện tượng điểm học bạ cao nhưng lại không đủ năng lực đi thi.

Trong việc này, Bộ GD&ĐT cũng cần vào cuộc, trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà trường... để định hình tiêu chuẩn đánh giá mới; đó là ngoài văn hóa thì các mặt năng lực khác của học sinh cũng phải được ghi nhận nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả các em.

“Cương quyết chống bệnh thành tích song hành với dạy thật - học thật - kiểm tra đánh giá thật và hình thành tiêu chuẩn đánh giá học sinh toàn diện thì sẽ không còn xảy ra tình trạng vận động học sinh không thi lớp 10”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.