Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm giả sổ đỏ, bán một nhà cho 6 người

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một ngôi nhà được làm thành 6 bộ giấy tờ, bán cho 6 người cùng thời điểm. Một nạn nhân bỗng chốc trở thành người vi phạm pháp luật. Những giấc mộng kiếm, tiền nhờ bất động sản, cho vay lãi suất cao bỗng tan thành mây khói…

KTĐT - Một ngôi nhà được làm thành 6 bộ giấy tờ, bán cho 6 người cùng thời điểm. Một nạn nhân bỗng chốc trở thành người vi phạm pháp luật. Những giấc mộng kiếm, tiền nhờ bất động sản, cho vay lãi suất cao bỗng tan thành mây khói… Sự thật đó đã được Công an huyện Đông Anh, Hà Nội làm sáng tỏ.

Sáng 7/1, cơ quan Công an tổ chức họp báo thông báo kết quả điều tra ban đầu về vụ việc này.

Một ngôi nhà được chuyển nhượng cho 6 người

Ngôi nhà 3 tầng của Bùi Văn Quyền, 42 tuổi, ở thôn Mỹ Nội, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội nằm trên diện tích đất 253m2 có vị trí khá đẹp, đường ôtô ra vào thuận lợi. Thông qua môi giới, anh Ngô Trung Kiên ở tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được đưa đến ngôi nhà và diện tích đất trên để xem nhằm mua đất. Khi xem đất, anh Kiên được giới thiệu mảnh đất này đã được chuyển nhượng cho Tạ Minh Đạo (ở xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).

Anh Kiên xem giấy tờ chuyển nhượng có sổ đỏ, tin là thật nên đã làm thủ tục giao cho vợ chồng Đạo và Trần Thị Minh Hạnh (ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) vào ngày 7/ 9/2010. Ngay ngày hôm sau, anh Kiên giao cho vợ chồng Đạo và Hạnh số tiền 1,85 tỷ đồng, thỏa thuận sau 3 tháng sẽ trả nốt 50 triệu và bàn giao nhà. Anh Kiên cầm giấy tờ chuyển nhượng nhà mà không hay biết rằng, tất cả số giấy tờ đó đều là giấy tờ giả. Chỉ đến khi cơ quan Công an phát hiện và điều tra vụ việc, anh Kiên mới bàng hoàng nhận ra mình đã trở thành nạn nhân của một đường dây lừa đảo lớn.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Đông Anh phát hiện đối nhóm đối tượng trên dùng giấy tờ giả để thực hiện trót lọt 6 vụ chuyển nhượng chính ngôi nhà của Bùi Văn Quyền cho 6 người với tổng số tiền lên tới 9,5 tỷ đồng...

Giám định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà các đối tượng chuyển nhượng cho anh Kiên, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội xác định các con dấu UBND huyện Đông Anh, Phòng Địa chính nhà đất và Đô thị huyện Đông Anh, chữ ký trong giấy chứng nhận trên đều được làm giả bằng phương pháp in phun màu. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mang số AG381912 cũng được Quyền sử dụng để lừa chiếm đoạt của chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết ở phố Kim Mã, Hà Nội 1,1 tỷ đồng…

Ngay sau đó, Công an huyện Đông Anh đã bắt khẩn cấp đối tượng Bùi Văn Quyền về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra vụ án này, cơ quan CSĐT, Công an huyện Đông Anh phát hiện đường dây làm giả sổ đỏ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự tham gia của nhiều đối tượng ở Đông Anh và các quận huyện trên địa bàn Hà Nội, làm giả nhiều giấy tờ và lừa đảo chiếm đoạt số lượng tiền lớn của nhiều người.

Từ nạn nhân trở thành tội phạm

Trần Thị Thanh ở xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội có mảnh đất ở thôn Xuân Lễ, sổ đỏ mang tên Thanh. Do có nhu cầu vay 30 triệu đồng để giải quyết công việc, Thanh được Trần Văn Tịnh ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội môi giới cho vay tiền với thỏa thuận: Qua chị Nguyễn Thị Lan Hương (ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho Thanh vay 200 triệu đồng lãi suất cao với cam kết không trả sẽ mất đất. Trong thời hạn 2 tháng, Thanh  phải lập hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở thôn Xuân Lễ kèm theo giấy tờ sử dụng đất. Thực tế Thanh chỉ được vay 30 triệu đồng, số tiền còn lại được chia cho Tịnh và 3 người khác vay là Hải, Chính, Hiền.

Ngày 27/12/2010, cả nhóm trên đến văn phòng công chứng Đông Anh lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng do Thanh bị thiếu một số giấy tờ nên không làm thủ tục được. Sau đó, Tịnh nói với Hải và Thanh làm giấy tờ giả để thực hiện nốt thỏa thuận. Tất cả đồng ý và cùng đến cửa hàng in, photocopy của Đinh Công Thứ ở phố Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thứ làm giả con dấu, chữ ký, in con dấu UBND xã Tân Dân, Sóc Sơn, chữ ký của Chủ tịch xã Tân Dân và con dấu của Công an huyện Sóc Sơn, chữ ký Phó trưởng Công an huyện Sóc Sơn vào nhiều bản mẫu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đơn xin xác nhận hộ khẩu…

Sáng 30/12/2010, khi Thanh nộp số giấy tờ giả trên cho Văn phòng công chứng Đông Anh thì bị lực lượng Công an bắt giữ. Kiểm tra trong xe ôtô do Tịnh sử dụng, cơ quan điều tra phát hiện rất nhiều giấy tờ có chữ ký và dấu giả. Vậy là, Vũ Thị Thanh ban đầu chỉ là nạn nhân của vụ vay tiền với lãi suất cao đã biến thành đối tượng phạm tội làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức. Đối tượng Thứ khai nhận đã nhiều lần làm giả con dấu, tài liệu do Tịnh và Bùi Văn Quyền, Tạ Minh Đạo thuê làm. Ngày 4/1, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, tạm giam các đối tượng Trần Văn Tịnh, Đinh Công Thứ, Vũ Thị Thanh; khởi tố bị can đối với Đạo và Hạnh.

Đường dây làm giả sổ đỏ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được Công an huyện Đông Anh khám phá và đang tiếp tục điều tra mở rộng. Đối tượng phạm tội sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhưng vụ việc này là bài học lớn cho những người vay tiền, cho vay với lãi suất cao, kinh doanh bất động sản không thẩm định chặt chẽ. Thủ đoạn của đối tượng là lập giả hợp đồng chuyển nhượng tại văn phòng công chứng nhượng quyền sử dụng đất cho nhau để tạo sự tin tưởng vay tiền. Đối tượng đứng tên nhận chuyển nhượng trên hợp đồng công chứng trực tiếp giao dịch lừa đảo, vay tiền lãi suất cao, chuyển nhượng đất cho người vay tiền, cam kết không trả tiền sẽ mất đất…

Trung tá Trần Hải Quân, Phó trưởng Công an huyện Đông Anh đưa ra lời khuyên: Để tránh bị lừa khi mua đất, người mua nên thẩm định lại nguồn gốc đất tại cơ quan quản lý nhà nước nơi gần nhất, như UBND cấp xã, phường, huyện.