Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm giàu nhờ phát triểntrang trại đa canh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hòa Lâm là xã nằm ở vùng trũng nhất của huyện Ứng Hòa, song nhờ tích cực dồn điền đổi thửa, mạnh dạn, sáng tạo với mô hình chuyển đổi trang trại đa canh, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã từng bước vươn lên làm giàu từ đồng đất quê hương.

Trang trại rộng hơn 4 mẫu hiện nay của anh Tạ Văn Thắng, thôn Đống Long, xã Hòa Lâm là một ví dụ điển hình. Từ nhiều năm nay, với mô hình nuôi cá kết hợp nuôi vịt giống, mỗi năm gia đình anh thu nhập trung bình trên 2 tỷ đồng. Hiện, trang trại của anh Thắng nuôi thường xuyên hơn 1.000 con vịt đẻ và đầu tư 2 lò ấp trứng gia cầm, mỗi năm cho doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, với sản lượng mỗi năm hơn 10 tấn cá, anh thu được trên 500 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh đã vươn lên làm giàu, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động, với mức lương từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Một mô hình tiêu biểu khác trong việc dồn đổi, chuyển đổi mô hình kinh tế trang trại đa canh là của bà Trình Thị Thúy, thôn Đống Long. Với diện tích trang trại hơn 1ha nuôi vịt và thả cá, kết hợp nuôi cua, chạch, mỗi năm gia đình bà thu nhập trung bình từ 450 - 500 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lãi trên 200 triệu đồng.  Ông Hoàng Thế Lộc - Chủ nhiệm HTX thôn Đống Long, xã Hòa Lâm cho biết, toàn thôn có hơn 300 hộ thì có tới 147 hộ làm trang trại với diện tích khoảng 70ha. Các hộ chủ yếu là nuôi trồng thủy sản thâm canh 3 - 4 lứa/năm với các loại cá: Trắm, chép, mè, trôi... kết hợp với nuôi vịt thương phẩm, vịt giống cho giá trị kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa truyền thống.

Đại diện Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, từ năm 2003, xã Hòa Lâm có chủ trương dồn điền đổi thửa, quy hoạch các mô hình trang trại đa canh tập trung. Đến nay, trên địa bàn xã đã có hàng trăm trang trại chăn nuôi lợn, vịt, thả cá, trồng cây ăn quả... cho thu nhập cao. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ trang trại, trở thành những mô hình điểm cho các nông dân trên địa bàn huyện hoặc ở địa phương khác đến tham quan, học tập. Tuy nhiên, xã còn gặp không ít khó khăn về đầu ra cho sản phẩm do sản lượng cá của xã chủ yếu bán tại chợ đầu mối Pháp Vân nên vẫn bị tư thương ép giá. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu, nhất là tỷ lệ cứng hóa đường giao thông khu chuyển đổi trang trại còn thấp, chủ yếu vẫn là đường đất, ô tô không đi lại được, các hộ vẫn phải vận chuyển thức ăn bằng xe đạp thồ. Một nguyên nhân nữa là người nông dân đang gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, do số lượng vay hạn chế (từ  50 - 100 triệu đồng/hộ), thủ tục vay vốn phiền hà. Ông Hoàng Thế Lộc bày tỏ mong muốn, thời gian tới nhận được nhiều hơn nữa sự giúp đỡ của các huyện, TP để xã từng bước tháo gỡ những khó khăn trên, giúp người dân yên tâm sản xuất.