Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm mẹ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đêm nào cũng vậy, tôi vội vàng từ Bệnh viện Phụ sản trở về nhà thì đã ngót nghét mười một giờ khuya. Chỉ kịp bỏ găng tay, cởi bộ quần áo blue trắng và dứt mình khỏi những tiếng khóc non nớt trong nhà hộ sinh cùng hình ảnh những khay máu đầy ứ à phi xe một mạch về nhà.

Hôm nào về, cha tôi cũng hỏi: "Hôm nay có mấy ca đẻ con gái?". "Mười ca bố ạ". "Thế không có ca nào đặc biệt ư?... Hiếm thế sao?". Ông hỏi tôi rồi ngập ngừng nhìn vào nhà trong. Chú Bính xỏ dép đi lẹt quẹt trong sân, dường như đang nghe cha con tôi nói chuyện. " Không bố ạ, nếu có con phải biết chứ, con đã hứa là làm, bố đừng sốt ruột". "Cái số thằng Bính này"... Ông hậm hừ trong cổ họng rồi giục: "Con vào nhà trong xem chú ấy thế nào".

Tôi đã quen với những câu hỏi của cha mình như thế. Và cũng cố để ý xem có cô gái nào "trót dại" đi sinh con mà bỏ lại không nuôi, hay một hoàn cảnh đặc biệt nào đó cho xin con, tôi sẽ làm thủ tục rồi bế về cho vợ chồng chú Bính... Nhưng đã một năm trôi qua, lời tôi hứa chưa làm được.

Trong đầu tôi hiện ra cảnh tượng một buổi chiều mưa tầm tã, bố đưa một cặp vợ chồng về nhà rồi bảo mẹ: "Em dọn ra nhà ngoài ở cùng các con, nhường nhà trong này cho vợ chồng chú Bính". À, hóa ra chú Bính, người mà bọn tôi được nghe bố kể suốt những năm thơ ấu trong các câu chuyện về chiến tranh chống Mỹ. Người đã đẩy bố xuống hầm trong một trận bom B52 ác liệt để rồi bị sức ép của bom, máu mũi, máu tai rỉ thành dòng trên mặt. Cũng chính chú đã cõng cô Hiên chạy một mạch qua trảng rừng cháy xém về cứ an toàn. Bố và các chú trong đại đội đã chứng kiến lễ cưới của cô Hiên, chú Bính cuối thu 1974... Hoá ra chú Bính chẳng giống như một ông tướng hay một người anh hùng vạm vỡ nào, chú nhỏ thó, đen đen, mặt thật hiền. Còn cô Hiên có vẻ thẹn thùng như một cô gái trẻ.

Chú Bính đã kể lại những tháng năm sống ở quê sau 1975. Ông, bà, cha, mẹ chú đều chết vì bom, chẳng còn ai, rêu phủ kín nền đất. Buồn quá, chú đưa vợ đi tìm đồng đội cũ và về tìm bố tôi. Bố đã nhận chú Bính làm em trai và đi đăng ký hộ khẩu cho chú ở lại đây. Nhà tôi rộng, có hai dãy nhà song song, cách nhau một khoảng sân nhỏ đầy lá và mấy hàng cau. Bố mẹ nhường cho cô chú Bính ở nhà trong, cả nhà tôi ở nhà ngoài. Cứ ngày ngày chú đi rọ tôm ngoài sông, còn cô Hiên cùng mẹ tôi đi chợ. Hai gia đình sống hoà thuận, yên ấm. Ngày tôi vào đại học, cô Hiên dậy từ ba giờ sáng thổi xôi, nén thành viên to bằng viên gạch để tôi cầm đi đường.
 
 
Làm mẹ - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa.
 

Đã mấy lần tôi bắt gặp đôi mắt đau đáu của cô nhìn bọn tôi đùa nhau. Tôi và cu Thịnh hay sang chơi với cô và kể cho cô nghe đủ chuyện. Nhưng lần nào ra khỏi cửa, tôi cũng nhìn thấy cô khóc. Mẹ tôi dặn: "Không đứa nào được hỏi cô chuyện con cái, nghe chưa". Thế mà thật lạ, đúng ngày tôi tốt nghiệp Đại học Y, về tỉnh công tác ở Bệnh viện Phụ sản, cô đã nói chuyện với tôi suốt một đêm. Rồi cô năn nỉ nhờ tôi xin giúp cho cô một em bé. Chỉ thế thôi. Đã mấy lần tôi nhìn thấy cô tắm, hai bầu vú của cô đẹp lắm, giá mà... có những đứa con.

 Những đứa con của cô hiện ra trong tưởng tượng rùng mình của tôi. Có đứa da nhăn nheo, đầu to, không có mắt, không hề biết khóc. Có đứa lúc sinh ra chỉ là một hòn thịt bùng nhùng. Cô đã kể với tôi như thế. Cô không khóc nhưng vẻ mặt thì đau đớn tột cùng. Dưới trăng, vẻ mặt ấy như khắc bằng thạch cao, vời vợi... Sợ tôi hoảng hốt, cô nắm chặt tay tôi rồi bảo: "Cháu là con gái, rồi cũng phải làm vợ, làm mẹ, chắc hiểu lòng cô". Tôi bật khóc và cắn vào vai cô một cái thật mạnh, lần đầu tiên tôi ý thức được bản năng phụ nữ của mình. Thì ra, cái chất độc da cam ấy chẳng xa gì, nó ở ngay sau khoảng sân bình lặng của nhà tôi.

 - Chú chưa ngủ ạ?

- Tôi lên tiếng.Chú trả lời mệt mỏi:

 - À, Nhung đó hả, chú chưa, sao về muộn thế?

 - Dạ, có mấy ca đẻ khó, phải chuyển lên tuyến trên chú ạ, mà chú ốm hay sao thế?

Tôi nhìn thấy bộ dạng chú Bính khác với mọi ngày. Lưng chú khòng xuống, mặt nhợt nhạt. Bỗng chú vịn tay vào cửa sổ rồi nôn thốc nôn tháo. Tôi hốt hoảng dìu chú đứng lên, nhưng càng cố gắng nâng chú lên, chú càng gập người lại. Chú thót bụng nôn ra mật xanh, mật vàng, rồi nôn khan, nôn dữ. Cô Hiên chạy vội từ phòng ngủ ra dìu chồng, đắp khăn lên trán chú. Chú Bính sốt cao đến 40 độ. Tôi quên cả mệt, giúp cô Hiên hạ sốt cho chú Bính. Xong xuôi, tôi bỗng quờ tay phải một thứ gì ươn ướt, dinh dính trên bàn. Trời ơi, sữa bò, mà sao cả kiến, nhiều kiến quá, cơ man là kiến. Hộp sữa uống dở lăn trên bàn uống nước. Sữa vẫn tiếp tục chảy ra qua cái lỗ đục bé bằng hạt đậu cùng lúc nhúc vô vàn là kiến. Những con kiến đã chết, vón thành cục tòi ra từ cái lỗ ấy. Chúng chảy cùng sữa nhung nhúc, đen kịt một vùng. Đám sữa nhơn nhớt sùi bọt... Tôi rùng mình. Cô Hiên hét lên, hai tay ôm mặt. Cả đêm ấy, tâm hồn tôi thả về những năm tháng chiến tranh ác liệt của bố và cô chú...

Khoảng không gian buổi chiều giữa hai trận đánh lặng im đến như chưa bao giờ thế. Rừng miền Đông Nam Bộ lá đỏ rực như màu máu. Cả một khoảng rừng rộng lớn còn nghi ngút khói, cây cỏ xác xơ, héo úa... Chân trời có màu kỳ dị, màu da cam. Cả nhóm đi công tác còn sống sót có 7 người, có đến 4 người bị thương, bố, cô Hiên và chú Bính thay nhau canh gác. Đêm, người lính trẻ nhất trong nhóm hy sinh vì sốt quá cao, trời lại đổ mưa. Mọi người vội vàng căng bạt, ni lông che cho thương binh, rồi mới quay sang đào đất chôn đồng đội. Chú Bính vừa bới xong hố đất, trở lại để làm lễ tưởng niệm cho bạn thì chú bỗng kêu "ục" lên một tiếng và đổ xuống. Chú ngồi khóc, miệng há hốc kinh hoàng. Bố chạy lại, thì ra, chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ mà đàn kiến mối khổng lồ đã bò đến, kịp ăn ruỗng đôi mắt của người chiến sĩ. Cô Hiên đã quen những cảnh đồng đội hy sinh, chỉ ngồi thẫn thờ, đau đớn, không khóc được.

Đàn kiến ấy mãi mãi ăn vào nỗi đau của những người còn sống. Tôi lại nhớ đến một bữa cơm, cả nhà bị bố mắng té tát, rồi vứt bát mắm tôm ra cổng, không ai hiểu vì sao. Tôi pha mắm tôm để chấm thịt luộc, ai cũng khen ngon, chỉ riêng bố là chống đũa nhìn và quay mặt nôn khan. Rồi "vút" một cái, bát mắm tôm bay ra cổng. Sau hôm đó, bố mới kể cho chị em tôi một trận đánh ở khu chợ giáp đất bạn Lào. Chợ đang họp thì Mỹ đổ bom. Náo loạn, tan tác. Hết chợ, người còn sống nhớn nhác quay lại tìm đồ đạc, tìm nhau...Và trưa ấy, trong gói mắm tôm đơn vị mua ở chợ có cả một ngón tay của một người con gái. Cả đơn vị chết lặng. Từ đấy, bố gánh nỗi ám ảnh chiến tranh về đời thường trong hoà bình với mẹ con tôi.

Tôi gạt cánh tay cô Hiên sang bên để lau vết sữa trên bàn. Tôi có cảm giác mình đang cố lau đi những đau khổ trong lòng chú Bính.

Ngày nào tôi cũng được đón vài đứa bé chui ra khỏi bụng mẹ khóc oe oe nên càng khao khát làm được điều gì đó cho cô chú Bính... Mẹ tôi hay thì thầm với cô Hiên nhiều hơn.

Lại một đêm thức trắng, nhưng đêm nay, tôi thức trong bệnh viện, thức trong một tâm trạng chộn rộn khác thường. Thay găng tay đến mấy lần vẫn chưa thấy an tâm, tôi hấp lại dụng cụ cho đảm bảo. Mặt nóng bừng. Cô Hiên ôm bụng đau đớn, nhưng trong mắt cô có sự hy vọng lớn lao. Cô đã nghe mẹ tôi, sinh cố một lần này nữa, một lần này, biết đâu được làm mẹ. Trời đã sinh ra phụ nữ thì phải sinh nở, cứ hy vọng khắc thành... Mẹ cứ nói mọi chuyện đều đơn giản theo cái thuyết không không, có có theo niềm tin của mẹ. Tôi lại tin vào chính niềm tin của tôi... Tôi dìu cô Hiên đi dọc hành lang. Cái bụng to của cô sệ xuống, nặng nề, cô khẽ rên lên. " Cô cứ bình tĩnh, hít thở sâu vào, mọi chuyện sẽ ổn cả thôi"... Tôi nói vậy và lòng thầm mong điều kỳ diệu xảy ra. Đầu óc tôi lúc lúc lại phân tán dành cho đứa bé bị bỏ rơi lúc tối đang thiêm thiếp ngủ ở phòng bên. Mọi việc tôi đã dặn y tá Liên, chỉ mình Liên thôi.

Cô Hiên lên bàn thì cũng là lúc người tôi căng ra, xương cốt kêu răng rắc. Mắt tôi sầm lại khi thấy một bàn chân bé xíu thò ra khỏi cửa mình cô. Cô cắn chặt môi nhịn đau, gương mặt bệch bạc, nước ối và máu ào ra. Tôi vội vã cho hội chẩn gấp quyết định mổ, cô đã được gây mê ngủ ngon lành. Kíp mổ được thông báo đây là một trường hợp đặc biệt. Người tôi muốn đứt ra, trong lòng có đủ thứ cảm giác lẫn lộn. Kíp mổ khẩn trương thực hiện lệnh "cứu mẹ" của trưởng khoa. Y tá Liên dù đã được dặn trước vẫn kêu lên trước hình hài một sinh linh nhăn nhúm...

Tôi rời phòng mổ, người không còn chút sức lực nào, các thớ thịt đau ê ẩm, y như chính tôi vừa trải qua cơn đau đẻ. Trong tôi cồn lên sự thương cảm đến tột cùng, đau xót, ân hận, nhưng cũng thấy thanh thản hơn...Có lẽ chẳng còn cách nào khác.

Đứa bé lúc chiều đang ngủ trong lòng tôi, ngon lành, yên ổn. "Cô chú Bính chắc yêu chiều mày lắm đây, đẻ ra mày khổ thế cơ mà"... Tôi dí tay vào trán nó nghĩ thế mà nước mắt chảy thành dòng trên má.

 Bố mẹ tôi cùng các bà hàng xóm xúm xít ùa vào mừng rỡ:  Chao ôi, chú Bính ơi, trời có mắt rồi"... Tôi quay tìm chú Bính. Chú cứ loanh quanh mãi ngoài khuôn viên bệnh viện, chú không dám vào gần. Chú sợ, chắc chú phải đấu tranh thật là ghê gớm, chú di nát một vùng cỏ quanh chân. Thấy tôi vẫy, chú chạy lại. Mắt chú nhìn như hút vào đứa bé, chú vạch tã lót ra sờ nắn, nhìn ngắm khắp thân thể nó. Chú đưa tay vuốt từ gáy xuống chân nó, làm đứa bé thức giấc, vặn mình. Chú Bính bỗng quỳ xuống đỡ lấy đứa bé và hu hu khóc. Chú khóc rất to, chẳng buồn để ý đến bao đôi mắt dò xét xung quanh. Mặt chú rạng rỡ, chú hôn hít đứa bé rồi lại khóc. Những người có mặt ở bệnh viện lúc ấy xô đến xem, họ  lạ lẫm trước cảnh người đàn ông đã già cứ vừa bế con vừa khóc khi mà vợ vượt cạn an toàn. Họ chỉ trỏ, rì rầm... Những bà, những chị trong xóm tay xách nách mang ùa vào hỏi thăm chú Bính. Có người kín đáo đưa tay dụi mắt.

Từ phòng cô Hiên chạy ra, người tôi như một thùng lửa khổng lồ đang bốc cháy, cháy dữ dội trong đêm - một đêm tạo hoá sắp cho sự trùng hợp kỳ lạ. Còn cô Hiên, cô đang thiêm thiếp ngủ, cô mang khuôn mặt của  một người đàn bà thật sự. Người đàn bà có con.