Ngô Hồng Quang coi dự án mới này là một chuyến đi mới cho hành trình đưa âm nhạc dân tộc vươn xa, sau nhiều năm miệt mài kết nối âm nhạc dân tộc và thế giới. Trước đó, anh đã tạo dấu ấn với dự án “Nón” kết hợp âm nhạc với múa. Ở đó, anh sử dụng các nhạc cụ mộc như chiêng dây, đàn tính, đàn môi 3 lá, đàn môi 1 lá, đàn bầu và giọng hát của mình để tương tác với những vũ điệu của nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải. Họ đã đem đến cho khán giả một thứ ngôn ngữ nghệ thuật mới mẻ, khẳng định sức sống của âm nhạc dân tộc trong thời hiện đại.
Sau đó là dự án “Hanoi Duo” phối hợp cùng với nghệ sĩ jazz Nguyên Lê. Sự đồng điệu của hai nghệ sĩ có cùng nguồn cội đã đưa tiếng đàn tính, đàn bầu, đàn môi, đàn nhị và những giai điệu mang âm hưởng miền núi phía Bắc đến với thế giới.
Lần này với “Nam nhi”, có vẻ như Ngô Hồng Quang đã có một “cuộc chơi” nghệ thuật không giới hạn khi anh chọn 10 bài quan họ cổ (“Nam nhi”, “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Thả lái buông chèo”, “Lên tiên cung”, “Trèo non lội suối”, “Mười nhớ”, “Gọi đò”, “Con ếch”, “Đêm qua nhớ bạn”, “Chim khôn đậu nóc nhà quan”) để đưa vào album. Tất cả đều được hòa âm, phối khí với nhạc cụ phương Tây, tuy nhiên, những luyến láy, nhẩn nha của “cái gốc” quan họ vẫn vẹn nguyên.
Anh cùng những người bạn tạo nên một sản phẩm ngũ tấu đàn dây (2 violon, 1 viola, 1 cello, 1 contrabass). Chính các nghệ sĩ Hy Lạp, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan tham gia trong dự án cũng bất ngờ và thích thú khi được hòa mình vào tiếng Việt và âm nhạc Việt. Ngay cả người sành nhạc cũng thấy hài lòng với lối thể hiện giao hòa Đông - Tây nhuần nhị, cùng chất lượng âm thanh được đầu tư kỹ lưỡng.Tháng 6 tới, Ngô Hồng Quang cùng những người bạn của mình sẽ thực hiện liveshow “Nam nhi” tại Hà Nội. Anh còn cho biết, trong năm 2018, sẽ tiếp tục trình làng 2 dự án mới: Biểu diễn thơ của GS Phan Lê Hà (Đại học Honolulu, Hawaii) trên chất liệu âm nhạc dân tộc; Mời một nghệ sĩ đàn dân tộc người Iran và một nghệ sĩ trống người Senegal cùng hòa tấu với nhạc cụ Việt Nam trong album gồm những sáng tác của chính anh.