Áp Thuế tối thiểu toàn cầu

Làm sao hài hòa các lợi ích?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Năm 2024, hàng loạt quốc gia sẽ áp dụng thuế suất Thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu Euro, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc - các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam.

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần có các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI. Ảnh: Thanh Hải
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần có các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI. Ảnh: Thanh Hải

Điều này đòi hỏi Việt Nam phải sớm có giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư.
Hơn 1.000 DN FDI thuộc đối tượng áp Thuế tối thiểu toàn cầu
Theo quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu, các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro tại hơn 140 quốc gia sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%. Giả sử một công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, đang nộp thuế thu nhập DN khoảng 12%, mức chênh lệch 3% còn lại, họ sẽ phải nộp về quốc gia nơi có trụ sở chính, ở đây là Hàn Quốc.

35 năm qua, Việt Nam đã và đang sử dụng ưu đãi thuế như một đòn bẩy quan trọng để thu hút đầu tư. Khi Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, tất cả những ưu đãi đang áp dụng như miễn giảm thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15% không còn tác dụng. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến chính sách, phương tiện, công cụ thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Thông tin thống kê sơ bộ từ cơ sở dữ liệu DN toàn cầu, hiện có khoảng 1.017 DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có khoảng ít nhất trên 100 DN lớn có khả năng chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia khác đều áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024, ước tính khoảng 12.000 đến 20.000 tỷ đồng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, nếu Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những DN FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó sẽ tăng thu ngân sách Nhà nước. Theo ông Minh, trong trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập DN bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các DN hiện tại sẽ được các nước phát triển có DN đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của những nước đó.

 

Hiện thuế thu nhập DN của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài trong những năm đầu như: ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn... Theo tính toán, thuế thực tế với các DN đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%.

Mặt khác, Việt Nam cũng có quyền đánh thuế bổ sung đối với các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nếu thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu đầu tư ra nước ngoài, và đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15% tại các nước khác.

Cân nhắc áp dụng quy định
Thuế tối thiểu nội địa
Một DN thuộc diện bị áp Thuế tối thiểu toàn cầu cho biết, một trong những lý do khiến họ đầu tư sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam chính là được hưởng ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có đối sách kịp thời đối với việc áp dụng hình thức thuế này, thì rất có thể, DN sẽ xem xét việc phân bổ sản xuất sang cứ điểm khác có lợi thế cạnh tranh khác. Như vậy, nguy cơ về làn sóng dịch chuyển đầu tư sang nước khác của các “ông lớn” quốc tế nếu Việt Nam không có chính sách kịp thời là hiện hữu trước mắt.

Trong khi các quốc gia khác sẵn sàng có các biện pháp ưu đãi bổ sung (ví dụ Thái Lan sẽ hỗ trợ tiền điện cho nhà đầu tư nếu áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu), nếu không có những điều chỉnh cần thiết thì Việt Nam sẽ “hụt hơi” trong thu hút đầu tư mới. Thực tế này yêu cầu Việt Nam cần hành động ngay.

Bài toán đặt ra là làm sao không bị đánh mất quyền thu thuế, đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam và tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm trong giai đoạn mới.

Các chuyên gia và cộng đồng DN kiến nghị, Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai sớm Thuế tối thiểu nội địa để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung, đồng thời giữ được sự cạnh tranh của môi trường đầu tư. Nếu áp dụng quy định Thuế tối thiểu nội địa, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những DN FDI đang được hưởng thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách Nhà nước.

Còn nếu không, toàn bộ số thu chênh lệch sẽ chuyển về những quốc gia khác. "Thứ nhất, rõ ràng họ vẫn phải nộp mà chúng ta lại mất đi phần đó. Thứ hai, chúng ta lại không theo kịp xu hướng hội nhập cuộc chơi toàn cầu. Thứ ba, chúng ta lại đánh mất đi cơ hội cải cách mạnh mẽ hơn nữa"- thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia Cấn Văn Lực đánh giá.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, cần bổ sung quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng tại Việt Nam với lộ trình như sau: Thứ nhất, cần bổ sung quy định về Thuế thu nhập DN theo quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) để ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu của các nước và áp dụng từ ngày 1/1/2024. Thứ hai, cần nghiên cứu bổ sung quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng đối với các DN Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các DN khác thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).
Tìm giải pháp hỗ trợ tài chính hạn chế tác động tiêu cực

Sản xuất linh kiện tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh: Hải Linh
Sản xuất linh kiện tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh: Hải Linh

Để hạn chế tác động tiêu cực của Thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, theo ông Đặng Ngọc Minh, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về Thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai, minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ các DN trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường. Để thực hiện được chương trình hỗ trợ, Nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, Việt Nam cũng cần nghiên cứu, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư về các chính sách ngoài thuế, như miễn, giảm tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho DN… Phía DN, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho đề nghị: "Việt Nam cần xây dựng hình thức hỗ trợ các DN FDI bị ảnh hưởng. Phương án triển khai hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình DN để có tiêu chuẩn áp dụng kèm theo”.

Đối với chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, theo chuyên gia Cấn Văn Lực cần phải thực hiện theo 4 nguyên tắc cụ thể: cần phải đạt chuẩn của OECD; tránh hỗ trợ theo hình thức cào bằng, phải gắn với từng lĩnh vực, quy mô và công nghệ; phải khả thi trong hỗ trợ; cũng như phải phù hợp với chiến lược đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần phải rà soát, sửa đổi một số luật như Luật Đầu tư, Luật DN, các Luật về Thuế…Đồng thời, chủ động nâng cao năng lực nội địa, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; sớm kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý thuế...

 

Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới phù hợp với các quy tắc chung của Thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn song phải hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế của Việt Nam để đảm bảo nguồn thu ngân sách”.
Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Như Quỳnh