3 lần được gặp Bác
Trong căn nhà số 3, phố Xuân Diệu, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội, chúng tôi được trò chuyện với người phụ nữ đã vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ… Nhớ lại những năm tháng đầy tự hào, bà Chính kể: Năm 1946, khi đất nước có chiến tranh, cũng như bao nhiêu thanh niên khác, bà cùng anh trai xung phong lên đường nhập ngũ. Sau khi bị thương ở chiến dịch Lê Hồng Phong, bà tiếp tục tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó về công tác tại Bộ Tổng Tham mưu, phụ trách quân y tại Đại đội C53. Chuyển về công tác tại trường Học sinh miền Nam được một thời gian thì bà nghỉ hưu. Sau khi về địa phương, bà đã dành trọn phần đời còn lại cho công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Ngày đó, tuy nghèo nhưng bà vẫn dành số tiền chế độ thương binh của mình để quyên góp dành tặng cho những trẻ em và gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi cùng các thành viên của Hội Chữ Thập đỏ phường Nam Đồng đi thực hiện các chương trình thiện nguyện.
Lãnh đạo quận Tây Hồ nhận món quà ý nghĩa từ bà Nguyễn Thị Kim Chính. |
Bà bảo, hơn 20 năm làm công tác xã hội, hình ảnh những đứa con của đồng đội không may mắn bị nhiễm chất độc da cam luôn ám ảnh, hiện hữu trong bà. Điều đó khiến bà cảm thấy đau xót vô cùng. Chính vì lẽ đó, bà không ngần ngại trao tặng tất cả số tiền chế độ thương binh đã dành dụm được bấy lâu để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh ấy. Mỗi lần xem ti vi thấy có những gia đình thương binh hoàn cảnh khó khăn, bà trích ngay số tiền đó để gửi tặng.
Mỗi lần vết thương đau hay gặp khó khăn trong cuộc sống, bà lại nghĩ tới những lần vinh dự được gặp Bác Hồ, từ đó có thêm sức mạnh, có niềm động viên an ủi. Nhớ lại những ngày tháng đó, mắt bà ánh lên niềm xúc động: “3 lần, mỗi lần được gặp Bác, tôi sung sướng đến phát khóc. Đã mấy chục năm rồi, nhưng giờ nhớ lại, tôi cứ ngỡ như mới ngày hôm qua. Ai được gặp Bác một lần cũng cảm thấy hãnh diện lắm! Bác như ông tiên vậy, quan tâm đến từng giấc ngủ, bữa ăn của chị em, công nhân… Bác yêu thương mọi người như chính con mình”.Chính những lời căn dặn cùng những việc làm của Bác khiến bà luôn cố gắng học tập, rèn luyện. Đức tính tiết kiệm mà bà có được chính là từ việc học và làm theo lời Bác. Mới đây, bà đã dành trọn một năm tiền thương binh (hơn 10 triệu đồng) để ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" quận Tây Hồ.Giúp 1.000 người chữa bệnh ung thưTừng phụ trách công tác quân y tại chiến trường, nhưng bà không ngờ mình lại bị mắc căn bệnh ung thư cổ tử cung ở tuổi 48. Đang đứng trên bờ tuyệt vọng thì may mắn gặp được bác sĩ Tôn Thất Tùng cùng bài thuốc từ cây trinh nữ hoàng cung. Sau 20 năm điều trị, như một phép nhiệm màu, căn bệnh ung thư của bà đã biến mất. Chứng kiến sự hồi phục thần kỳ ấy, bà Chính đã bỏ nhiều công sức tìm giống cây từ Thái Lan và miệt mài chăm sóc vườn cây trinh nữ hoàng cung với mong muốn cứu giúp được nhiều bệnh nhân ung thư như mình.Tuy việc đi lại khó khăn hơn do vết thương chiến tranh để lại, nhưng bà vẫn dành thời gian để chăm sóc vườn cây thuốc trinh nữ hoàng cung để giúp đỡ những bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung. Bà vui vì đến nay đã giúp gần 1.000 người chữa khỏi bệnh bằng vườn cây thuốc quý này. Với ý nghĩ giản dị và nụ cười hiền, bà bảo: “Những mảnh đời cơ cực sau ngày giải phóng luôn là động lực để tôi vượt qua bệnh tật, tuổi già để làm công việc trả ơn cuộc đời. Với tôi như vậy là đã mãn nguyện lắm rồi!”.