Cũng tại buổi họp báo thường kỳ, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã trả lời câu hỏi của Báo Kinh tế & Đô thị liên quan đến một số nội dung đáng chú ý trong việc xây dựng dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, LLVT và NLĐ trong các DN.
Trong đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh: Cuối tuần qua, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Hội đồng Lý luận T.Ư đều đã họp cho ý kiến về vấn đề này. Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ trình Bộ Chính trị dự thảo Đề án để Bộ này trình Hội nghị T.Ư 7. Đây là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, rất khó, liên quan đến nhiều vấn đề, từ đời sống người hưởng lương đến các vấn đề ổn định xã hội, cả về bảo hiểm, tuổi hưu…, đã được Hội nghị T.Ư bàn qua nhiều lần.
Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng |
Trả lời rõ hơn về đề án này, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng cho biết: Đề án này sẽ được trình Hội nghị T.Ư 7, theo phân công của Bộ Chính trị và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo (BCĐ) trung ương về cải cách chính sách tiền lương-BHXH và ưu đãi người có công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Phó trưởng ban thường trực.
Phạm vi của đề án gồm tiền lương trong khu vực DN và lương cho CBCCVC, LLVT hưởng lương trong khu vực công. Ngay từ những ngày đầu năm 2017, BCĐ đã yêu cầu các bộ ngành địa phương tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện gửi về cơ quan thường trực để tổng hợp; Phó Thủ tướng cùng Bộ trưởng Nội vụ đã thành lập đoàn đi nghiên cứu khảo sát thực tế các bộ, ngành, địa phương và cử các cơ quan thành viên BCĐ đi học tập nước ngoài và làm việc với các tổ chức quốc tế để vận dụng các kinh nghiệm tại Việt Nam; đã đặt nhiều chuyên đề đối với các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý trong lĩnh vực tiền lương. Đến nay, BCĐ đã bước đầu dự thảo đề án, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ và cơ bản được đồng tình, được Hội đồng Lý luận T.Ư đánh giá cao.
Theo ông Dũng, nội dung của Đề án được nghiên cứu toàn diện, cả về hệ thống bảng lương, về sắp xếp lại các chế độ phụ cấp... Nhất là, về cơ chế lần này sẽ có nhiều điểm mới, phân cấp phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Chẳng hạn, từ trước đến nay, chúng ta quy định tiền lương theo ngạch bậc “cứng”, các thủ trưởng đơn vị không có quyền gì trong tuyển dụng nhân tài, thì trong đề án tiền lương này đã đề cập trao quyền cho thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương có cơ chế để tuyển những người có năng lực vào bộ máy và trả tiền lương xứng đáng. Đồng thời, đề án cho phép các địa phương có quyền tự chủ: Khi tự cân đối được ngân sách nhà nước, tự đảm bảo được nguồn cải cách tiền lương trong một giai đoạn ổn định ngân sách thì cũng được quyền tự quyết định tiền lương cao hơn.
"Đề án cải cách tiền lương liên quan đến cả hệ thống chính trị, nên chúng tôi sẽ phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống bảng lương. Tuy nhiên, việc cải cách tiền lương phụ thuộc vào nguồn lực, kể cả ngân sách nhà nước cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết 18, 19 về tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế sự nghiệp, nên dự thảo này đang được BCĐ tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các thành ủy, tỉnh ủy, sau đó sẽ tổng hợp để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 4/2018, dự kiến báo cáo T.Ư trong tháng 5/2018 theo đúng tiến độ”, ông Dũng khẳng định.