Làn sóng thương mại tự do còn "nhiệt" nếu thiếu Mỹ?

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị cấp cao các nước thành viên Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra tại TP Viña del Mar của Chile từ 14 - 15/3.

Đây là lần đầu tiên 12 nước tham gia ký kết TPP nhóm họp kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận thương mại đầy tham vọng này hồi tháng 1. 

 Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz

Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz nhấn mạnh hội nghị do nước này thúc đẩy là cơ hội để phát đi thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do và đối phó với chủ nghĩa bảo hộ nền công nghiệp trong nước, đồng thời khẳng định Chile sẽ tiếp tục theo đuổi tự do thương mại, dù là với Mỹ hay với Trung Quốc. Hội nghị có sự tham gia của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia TPP cùng với đại diện của Trung Quốc, Hàn Quốc và Colombia. Tuy nhiên, Mỹ chỉ cử Đại sứ nước này tại Santiago Carol Perez tới dự. Trung Quốc cũng góp mặt dù không tham gia TPP. Giới phân tích cảnh báo quyết định rút Mỹ khỏi TPP của ông Trump đã mở cửa cho Trung Quốc dẫn dắt thế giới trong thương mại toàn cầu. Điều này có thể thực sự xảy ra ở cuộc họp tại Viña del Mar. Sự kiện này nhấn mạnh điều một số lãnh đạo các nước từng đề cập: Sự sẵn sàng của một số nước trong việc thực hiện một thỏa thuận thương mại mà không có Mỹ.

Trung Quốc đã và đang cố gắng dẫn dắt các nước trong vấn đề này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ thương mại toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) vào giữa tháng 1. Trung Quốc hiện trong quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại lớn là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của một số nước thành viên TPP song chưa xuất hiện nhiều quốc gia Mỹ La tinh. Hiện nay, một số thành viên TPP bao gồm Australia, New Zealand, Chile và Singapore đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại không có Mỹ, được gọi là "TPP 11" hoặc "TPP 12-1". Những thỏa thuận mới có thể tạo điều kiện để Trung Quốc tạo ảnh hưởng lớn hơn và thể hiện cái giá mà Mỹ phải trả khi rút khỏi TPP, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt lãnh đạo, chiến lược.