Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa tinh thần “Chính phủ kiến tạo”

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Bộ NN&PTNT công bố bãi bỏ 65 điều kiện đầu tư, kinh doanh và sửa đổi, rút gọn hàng loạt điều kiện, thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/10 cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng.

Như vậy, cùng với Bộ Công Thương, việc cắt giảm thủ tục hành chính của Bộ NN&PTNT cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần “Chính phủ kiến tạo” trong các ngành, lĩnh vực.
 Ảnh minh họa
Hơn hai năm qua, ngành NN&PTNT đã dành sự quan tâm đáng kể tới việc rà soát, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước hết phải kể tới việc loại bỏ 31 loại phí, lệ phí trong kiểm dịch thú y năm 2015, được đánh giá là giải pháp “cởi trói” tích cực cho DN, chấm dứt tình trạng “một quả trứng gánh hàng chục loại phí” tồn tại suốt nhiều năm qua. Tiếp đó, từ năm 2016 đến nay, với việc thành lập Tổ công tác thực hiện Kế hoạch đơn giản hóa TTHC (Tổ 367), Bộ NN&PTNT đã có những động thái mạnh mẽ hơn trong việc cải cách thể chế, TTHC nhằm tạo điều kiện thông thoáng thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành. Hơn 500 TTHC được chuẩn hóa là một kết quả đáng ghi nhận cho những nỗ lực này.

Việc chủ động đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118/345 điều kiện đầu tư, kinh doanh (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện; rà soát đối với 508 TTHC còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC (chiếm 56,5%)… của Bộ NN&PTNT đã “ghi điểm” của cộng đồng DN, bởi nó không chỉ giảm gánh nặng TTHC mà còn tạo cú hích thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực vốn không mấy hấp dẫn như nông nghiệp. Điều này cũng thể hiện quyết tâm từ lời nói đến hành động của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Kiên quyết rà soát lại để làm rõ những cái gì bất cập, vô lý, không hiệu quả thì loại bỏ”.

Trước đó, cuối tháng 9/2017, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã ký quyết định cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Đây được coi là đợt cắt giảm “lịch sử” của ngành Công Thương với số lượng điều kiện đầu tư, kinh doanh được loại bỏ lớn nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và mỗi năm DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công, 14.300 tỷ đồng chi phí cho hoạt động này; thậm chí, DN vẫn còn phải tốn nhiều khoản chi phí “bôi trơn” để làm nhanh các TTHC thì những động thái tích cực của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương trong cắt giảm TTHC được coi như những điểm sáng tích cực cần nhân rộng ra các bộ, ngành. Chỉ khi ấy, tinh thần “Chính phủ kiến tạo” mới thực sự đi vào cuộc sống, mang đến niềm tin của người dân và cộng đồng DN.