Làng cổ Đường Lâm vẫn mòn mỏi chờ bảo tồn

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tháng 3/2018, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức cuộc họp để thông báo tiến độ tu bổ nhà cổ. Sau 12 năm, mới có 17 trên tổng số 956 ngôi nhà được trùng tu, sửa chữa. Người dân Đường Lâm “khóc dở mếu dở” với nhà cổ.

Không biết có chống được qua mùa mưa?
Ngôi nhà của gia đình bà Bùi Thị Thanh (53 tuổi, thôn Cam Lâm) được xếp hạng nhà cổ nhưng vách mục, trời rét gió lùa vào nhà lạnh buốt, trời mưa mấy mẹ con nháo nhào mang chậu, mang nồi, gáo… ra hứng nước dột. Có trận mưa to, 3 người tát nước ra ngoài không kịp, nhà thành ao. “Dân trong làng vẫn bảo nhà tôi quá khổ. Nhà của tôi thuộc diện nhà cổ hơn 100 tuổi. Trải qua thời gian, hầu hết nếp cửa, cột, xà bị mọt; tường đất chằng chịt vết rạn, nứt. Sửa nhà cổ tốn cả trăm triệu. Nhà tôi nghèo không có tiền để sửa. Từ năm 2014, đã nhiều lần tôi xin được hỗ trợ kinh phí tu bổ theo diện nhà cổ nhưng chưa được xét đến. Tôi muốn đập đi dựng tạm túp lều chắc chắn cũng không xong. Tôi không muốn nhận danh hiệu nhà cổ nữa” – bà Bùi Thị Thanh chia sẻ. Khác với nhà bà Thanh, trường hợp gia đình bà Kiều Thị Thảo (thôn Đông Sàng), chờ đợi mãi không được tu bổ, đã chấp nhận vi phạm Luật Di sản, tự tay phá nhà cổ.
Gia đình bà Kiều Thị Thảo đã tự ý phá dỡ nhà cổ loại 1 vì chờ lâu không được bảo tồn. Ảnh: Linh Anh
Hiện nay, Làng cổ Đường Lâm có hơn 900 gia đình sống trong cảnh “khóc dở mếu dở” vì nhà cổ. Bởi vì, 12 năm, từ khi Làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích cấp quốc gia, phân loại danh mục các nhà cổ được bảo tồn, mới có 17/956 ngôi nhà được trùng tu, sửa chữa. Cách sửa chữa nhà cổ cũng chắp vá đủ kiểu. Ví dụ như trường hợp trùng tu nhà cổ của gia đình ông Trương Văn Bản (thôn Cam Thịnh). Cột hỏng đến đâu cắt, nối đến đó, chưa kể vật liệu không bảo đảm. Hàng cột các cụ để lại hàng trăm năm mới có dấu hiệu hỏng, trong khi gỗ thay thế vài ba năm đã cong vênh, mối mọt.

Thu hẹp khoanh vùng bảo tồn

Người dân Đường Lâm từng mơ, nơi đây sẽ là Hội An hay 36 phố phường Hà Nội, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách du lịch. Từng căn nhà cổ từ tối om, xập xệ sẽ được trùng tu, đón khách, làm tương, gói bánh… để có thêm thu nhập. Nhưng rồi, theo ông Phạm Hùng Sơn – Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm: “Đường Lâm có khoảng 1.500 hộ nhưng mới có khoảng 100 hộ hưởng lợi từ du lịch”. Những hộ chưa thể làm du lịch thì chấp nhận cảnh sống chung với nhà cổ mục nát, đêm nằm không biết lúc nào cột kèo rơi xuống.

Nhà nước quan tâm tu bổ làng cổ Đường Lâm, nhưng tiền dốc vào làng như muối bỏ bể. Nhà cổ làm bằng chất liệu gỗ nên tu bổ được vài năm lại hỏng. Trong khi số lượng nhà cần tu bổ chưa quay vòng xong một lần thì nhà mới tu bổ đã cần tiền sửa chữa. Theo ông Sơn, ngày xưa một tháng Ban quản lý họp dân một lần thông báo tiến độ tu bổ nhà cổ, nhưng giờ một quý họp một lần cũng không có gì mới, vì đã 5 năm, mọi sự việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Trước thực tế này, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 11403/VP-KGVX về việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ khu vực II di tích làng cổ Đường Lâm. Ông Phạm Hùng Sơn cho biết: Việc điều chỉnh được triển khai theo hướng thu hẹp diện tích bảo vệ, khu vực khoanh vùng dự kiến là hai làng Mông Phụ và Cam Thịnh. Điều này sẽ giúp công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được thực hiện tập trung, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thu hẹp diện tích bảo tồn vẫn chưa phải là lời giải cho tất cả những khó khăn mà người dân Đường Lâm gặp phải. Nguyện vọng tìm một nơi ở mới trong vùng đất giãn dân, thoát khỏi đời sống chật chội, u tối trong ngôi nhà cổ vốn được coi là di sản sống của Hà Nội.