Làng Đồng Di, nơi giỗ chung các Liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Khánh Quang - Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày giỗ chung trở thành một ngày thiêng liêng, là dịp để người dân Đồng Di cùng nhau tưởng nhớ, tri ân những người đã khuất.

Đã thành thông lệ, mỗi năm vào ngày 27/7, người dân thôn Đồng Di (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) long trọng tổ chức lễ giỗ chung để tưởng nhớ các Liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của thôn.

Thôn Đồng Di chỉ có 120  hộ dân, nhưng tự hào có 20 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 78 liệt sĩ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tinh thần bất khuất của người dân thôn Đồng Di được thể hiện rõ nét qua câu thơ: “Không đi chính phủ tình nghi/Đi thì sợ lính Đồng Di Tây Hồ”. Hai câu thơ ngắn gọn, hàm chứa cả lòng yêu nước và sự mưu trí, phản ánh một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Người dân làng Đồng Di thắp nén tâm nhang tri ân các Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Người dân làng Đồng Di thắp nén tâm nhang tri ân các Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Hơn 20 năm tham gia vào công tác vận động, tổ chức ngày giỗ chung đầy ý nghĩa, ông Lê Quang Pháp, Trưởng Ban đại diện Hội thân nhân liệt sĩ làng Đồng Di chia sẻ, niềm vui của ông không chỉ là sự tin tưởng của bà con, mà còn là vinh dự được góp sức vào truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. 

Khởi đầu với nguồn kinh phí hạn hẹp từ sự đóng góp của thân nhân liệt sĩ, chỉ có 39 triệu đồng, dự kiến chỉ xây dựng một nhà bia đơn giản. Tuy nhiên, nhận thức được ý nghĩa to lớn của công trình, huyện Phú Vang đã đồng ý cấp đất và trong hơn 3 năm, sự ủng hộ nhiệt tình của bà con, thân nhân các gia đình liệt sĩ quê ở làng Đồng Di trên khắp cả nước đã giúp hoàn thiện nhà bia khang trang như ngày hôm nay, với tổng kinh phí lên tới hơn 500 triệu đồng.

Ông Pháp nhớ lại, trước kia, mỗi gia đình tự tổ chức giỗ cho người thân đã khuất. Đến năm 2003, với sự ra đời của Hội thân nhân liệt sĩ làng Đồng Di, quy tụ 12 thành viên là con em liệt sĩ, ngày giỗ chung đã trở thành dịp thiêng liêng để mọi người cùng thể hiện lòng biết ơn, khẳng định tình đoàn kết và sự tri ân sâu sắc đối với các liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Dâng hương tri ân các các Liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Dâng hương tri ân các các Liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

“Lễ giỗ chung được tổ chức trang trọng hơn, thu hút sự tham gia của người dân trong làng và thân nhân liệt sĩ từ khắp nơi, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Nhà bia tưởng niệm trở thành nơi linh thiêng, để con cháu dâng hương tưởng nhớ, tri ân và góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn “uống nước nhớ nguồn”- ông Pháp chia sẻ.

Là người con của thôn Đồng Di đang sống tại TP Hồ Chí Minh, ông Lê Huân (76 tuổi) cho biết, hằng năm ông đều trở về quê hương vào ngày 27/7 để được sống và gắn bó với mảnh đất quê hương, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ, đây cũng là dịp để mọi người, đặc biệt là những người con xa quê về để tưởng nhớ những người đã khuất và ôn lại lịch sử hào hùng của quê hương.