Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng nghề rộn ràng mùa Tết

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tết Nguyên đán quý Mão 2023 đã cận kề, thời điểm này các làng nghề truyền thống đang chạy đua với thời gian để kịp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ người tiêu dùng, với kỳ vọng có một mùa Tết bội thu, đủ đầy…

Làm ngày làm đêm tăng công suất

Những ngày giáp Tết, không khí sản xuất tại làng nghề miến dong làng So, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai vô cùng tất bật, rộn rã. Đi từ đầu làng đã thấy các giàn miến phơi trắng phau cả cánh đồng. Bên trong những xưởng sản xuất, tiếng máy tráng bánh hòa tiếng nói cười của công nhân lao động rộn ràng.

Theo Phó Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Nguyễn Văn Đức, ở địa phương, miến dong được sản xuất quanh năm, nhưng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch được coi là vụ chính vì tập trung phục vụ hàng Tết. Hiện nay cả xã có khoảng 65 hộ gia đình sản xuất. Trong đó, hơn 1/3 số hộ đã được chứng nhận sản phẩm OCOP. Những ngày này, các hộ đều làm ngày làm đêm để tăng công suất, trung bình mỗi ngày toàn xã sản xuất khoảng 200 tấn miến dong. Miến dong làng So đã đăng ký kinh doanh đầy đủ mã số mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm trên toàn quốc theo đúng quy định và được khách hàng gần xa tín nhiệm, ủng hộ.

Người dân làng So, Tân Hòa, Quốc Oai phơi miến dong
Người dân làng So, Tân Hòa, Quốc Oai phơi miến dong

Công ty sản xuất thương mại và xuất khẩu Dương Kiên là một trong những cơ sở sản suất nổi tiếng nhất và có thâm niên làm nghề miến dong nhiều năm nay ở làng So. Xưởng sản xuất hiện có hơn 40 nhân làm việc. Nhờ công nghệ máy móc hiện đại và có kỹ thuật làm nghề lâu năm, nên hiện nay sản phẩm miến dong Dương Kiên đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước. Đặc biệt, sản phẩm còn được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Đức, Đài Loan...

Anh Dương Đình Khôi - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Xuất khẩu Dương Kiên cho biết: Công việc của cơ sở làm quanh năm. Tuy nhiên, dịp cuối năm phải tăng công suất gấp đôi để đủ nhu cầu của khách đặt. Vào những ngày cao điểm này, mỗi ngày cơ sở xuất xưởng từ 4-5 tấn miến ra thị trường. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài chú trọng chất lượng sản phẩm, việc đổi mới mẫu mã phù hợp với thị trường luôn được cơ sở coi trọng. Dịp Tết nguyên đán 2023, công ty còn cho ra mắt các sản phẩm là các hộp quà tặng Tết từ miến rong và các phụ gia để nấu cùng miến thu hút đông đảo người mua sắm Tết.

Không khí sản xuất tất bật, khẩn trương cũng đang bao trùm làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, huyện Thanh Trì. Đặc thù của làng nghề là hàng chủ yếu được đặt vào những ngày áp Tết, vì vậy tuần cuối cùng của tháng Chạp thường là khoảng thời gian cao điểm nhất trong năm của người làm nghề. Đến thăm Tranh Khúc vào thời điểm này thì cảnh tượng dễ gặp nhất là những lá dong, những thúng gạo nếp trắng thơm, những nắm đỗ vàng ươm, cùng nồi bánh chưng đang sôi trên bếp lửa, tỏa ra một mùi thơm nức.

Đang tất bật xếp những chiếc bánh chưng vuôn vắn vào nồi, anh Nguyễn Duy Thanh – chủ một cơ sở sản xuất bánh chưng trong làng cho biết: Cả thôn có 252 hộ thì gần 200 hộ làm nghề. Đây là nghề truyền thống nên người dân trong làng làm quanh năm, nhưng vào dịp Tết là bận nhất, vì lượng hàng đặt tăng gấp hàng chục lần ngày thường. Vào thời điểm này, mỗi nhà làm hàng ngàn chiếc bánh/ngày. Vì vậy, thời gian này cả làng nghề gần như không ngủ, ai cũng bận rộn luôn chân, luôn tay.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất đều chăm chút về mẫu mã, bao bì, chất lượng… Đặc biệt, với việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm càng ngày càng được nâng cao. Theo nghi nhận trên thị trường, sản phẩm làng nghề phục vụ thị trường Tết năm nay khá đa dạng về mẫu mã, chủng loại.

Khách hàng mua sắm tại tuần lễ thương mại hàng thủ công mỹ nghệ - sinh vật cảnh quận Nam Từ Liêm
Khách hàng mua sắm tại tuần lễ thương mại hàng thủ công mỹ nghệ - sinh vật cảnh quận Nam Từ Liêm

Tuy nhiên, do chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, cùng với đó là tác động của hàng loạt các yếu tố như giá xăng dầu tăng, lãi suất tăng, tình hình kinh tế - chính trị thế giới bất ổn… khiến nhiều nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng giá mạnh. Đặc biệt, sau hơn hai năm gồng mình chống chọi với dịch Covid-19, khả năng tài chính của người dân càng thêm eo hẹp, sức mua vì thế cũng giảm đáng kể.

Bà Phạm Thị Lành – chủ cơ sở sản xuất bánh chưng tại làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, Đông Anh cho biết: Để chuẩn bị làm hàng Tết, gia đình bà phải nhập gạo, đỗ cách đây 1 tháng. Một số nguyên liệu khác như thịt lợn, lá dong thì thường tới cận ngày làm mới nhập. So với mọi năm, năm nay giá các nguyên liệu làm bánh đều tăng, do đó gia đình bà phải tính toán tăng giá bánh khoảng 5.000 đồng/chiếc. Trung bình mỗi chiếc bánh chưng dao động từ 40.000 – 90.000 đồng.

Mứt tết làng Xuân Đình (Bắc Từ Liêm) đã từng một thời vang danh, là món quà không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về. Thế nhưng giờ đây những người còn gắn bó với nghề cũng đang chật vật co kéo giữ nghề truyền thống. Bà Đỗ Thị Nhuận – chủ cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo làng nghề Xuân Đỉnh cho biết: Khó khăn của những người làm nghề mứt Tết hiện nay không chỉ có chi phí sản xuất tăng, mà

còn sụt giảm mạnh về đầu ra. So với vài năm về trước, lượng hàng bán ra chỉ bằng 1/3. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hàng ngoại nhập vào nhiều. Để tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi mới cho món bánh kẹo truyền thống, nhiều cơ sở sản xuất đã tìm hướng đi mới cho sản phẩm bằng cách đưa lên bán hàng online. Đây là giải pháp có thể cứu vớt được một phần nào mai một của làng nghề.

Để kết nối tiêu thụ sản phẩm làng nghề, phục vụ tiêu dùng dịp Tết Quý Mão 2023, nhiều địa phương đã mở các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa kích cầu cho thị trường dịp cuối năm, đồng thời giúp DN, người sản xuất và người tiêu dùng nâng cao nhận thức về hàng Việt.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Hàng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các tỉnh, TP trao đổi, cung cấp thông tin về cơ sơ sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Sở tiếp tục duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm TP. Hệ thống này đã hỗ trợ, hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống cho 3.263 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản; đã cấp 12.021 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống…