Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Ukraina ngày 22/8, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky xác nhận hầu hết lãnh đạo các nước châu Âu sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh Nền tảng Crimea dù đã nhận được lời mời từ chính quyền Kiev.
Hội nghị thượng đỉnh “Nền tảng Crimea” sẽ được tổ chức tại Kiev vào ngày 23/8. Theo kế hoạch, hội nghị sẽ hoạt động ở nhiều cấp độ như, nguyên thủ quốc gia và chính phủ, người đứng đầu Bộ Ngoại giao, các nghị sĩ, dưới dạng một mạng lưới các chuyên gia.
Theo ban tổ chức, các đại diện của 44 quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ đến thủ đô Kiev để tham dự sự kiện. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia châu Âu sẽ ủy nhiệm cho bộ trưởng ngoại giao hoặc quốc phòng tham dự hội nghị. Trong khi đó, Tổng thống các quốc gia Baltic, gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary, Moldova, Slovenia sẽ tham gia diễn đàn Nền tảng Crimea. Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và NATO dự kiến cũng sẽ tham gia. Mỹ và Đức cử các bộ trưởng năng lượng đại diện tham dự hội nghị này.
Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 22/8 nói rằng việc các nước thành viên EU, quan chức EU tham gia diễn đàn Nền tảng Crimea sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Moscow và liên minh này.
Theo Thứ trưởng Grushko, Moscow sẽ coi diễn đàn là “hoạt động chính trị không gây ra bất cứ tác động nào đến thực tế vốn xuất hiện sau khi nhân dân Crimea bày tỏ nguyện vọng”.
Quyết định thành lập diễn đàn Nền tảng Crimea được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố hồi tháng 9/2020, nhằm phối hợp các nỗ lực quốc tế để đưa Crimea trở lại quyền kiểm soát của Kiev. Ông Zelensky gọi định dạng này là một “nền tảng nghiêm túc” để giải quyết các vấn đề khác nhau trên lãnh thổ Crimea.
Crimea và Sevastopol đã trở thành một chủ thể hành chính của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3/2014. Khi đó, đại đa số cử tri, cụ thể là 96,7% dân số Crimea và 95,6% dân số Sevastopol đã bỏ phiếu tán thành ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga.
Ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Crimea đã ký một thỏa thuận về việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. Theo đó, tất cả người dân Crimea sẽ được công nhận là công dân Nga. Tuy nhiên, Kiev đã từ chối công nhận bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.