Lãnh đạo Sở GD&ĐT được nhà xuất bản “trả lương”

Hà Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo “bảng lương”, Giám đốc Sở sẽ được hưởng đến 6 triệu, kém hơn 1 triệu là “lương” của cấp phó và giảm dần theo chức vụ, cấp bậc. Người thấp nhất cũng được hưởng 3,5 triệu đồng từ... nhà xuất bản.

Theo tài liệu Kinh tế & Đô thị tiếp cận được thì từ năm 2015, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã có Quyết định số 778 về việc chi thù lao Ban Chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh. Theo quyết định này, NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho 11 người của Sở, gồm ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc sở (Trưởng ban), Phó Giám đốc (Phó Trưởng ban) và các ủy viên là Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng phòng giáo dục phổ thông, Trưởng phòng giáo dục tiểu học, các phó trưởng phòng của hai phòng chuyên môn này.
 
Theo đó, mức chi được áp dụng cho Trưởng ban là 6 triệu đồng/tháng, Phó trưởng ban 5 triệu đồng, Ủy viên thường trực 4 triệu đồng và Ủy viên là 3,5 triệu đồng. Mức chi này được tính từ ngày 1/5/2015; nguồn chi từ quỹ đầu tư xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam.
 

 
Đến năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam có tiếp Quyết định số 04 về việc thành lập Ban chỉ đạo và mức chi thù lao Ban Chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam. Theo đó, số thành viên của ban chỉ đạo này vẫn là 11 người của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh; ông Lê Hồng Sơn -Giám đốc Sở vẫn là Trưởng ban. Phía NXB Giáo dục Việt Nam có 9 thành viên, trong đó ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên là đồng Trưởng ban. Ngoài ra, còn có nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người, trong đó 14 người là chuyên viên các môn học hoặc phòng ban chuyên môn của sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh. Mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên như năm 2015, đối với nhóm hỗ trợ thì mức thù lao là 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị đảm nhiệm chi lần này là NXB Giáo dục Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.
Trước vấn đề này, dư luận lo ngại, sẽ xảy ra việc thiếu công bằng, khách quan trong lựa chọn SGK. Một chuyên gia đầu ngành về giáo dục cho rằng: Một khi DN "lobby" cho cơ quan quản lý giáo dục địa phương, thì sẽ có lợi ích nhóm, chỉ lo, học sinh không được học sản phẩm tốt nhất, phù hợp nhất, giáo viên sẽ bị khống chế quyền chọn sách như qui định của Bộ GD&ĐT.