Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lao đao vì dịch lở mồm long móng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn biến phức tạp của dịch lở mồm long móng (LMLM) đã tác động không nhỏ đến người chăn nuôi lợn. Nhiều hộ mất ăn, mất ngủ lo phòng chống dịch; nhiều hộ lại phải bán tháo đàn lợn dù chưa đến ngày xuất chuồng. Đáng nói, giá lợn hơi bắt đầu quay đầu giảm đúng vào dịp giáp Tết Nguyên đán khiến không ít người lo lắng.

Người chăn nuôi chăm sóc đàn lợn chuẩn bị Tết Nguyên đán. Ảnh: Phương Nga
Chưa kịp mừng đã vội lo
Sau khủng hoảng thừa và bão giá thịt lợn năm 2017, ngành chăn nuôi bắt đầu hồi phục từ quý II/2018. Từ tháng 4/2018, giá thịt lợn tăng mạnh, đạt ngưỡng 53.000 - 56.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có lãi cao và quay lại tái đàn. Tuy nhiên, niềm vui chẳng được tày gang khi giá lợn hơi đang từ mức trên 50.000 đồng/kg bất ngờ quay đầu giảm xuống mức 43.000 - 45.000 đồng/kg. Đặc biệt, từ cuối tháng 11/2018, người chăn nuôi lợn lại phải đối mặt với dịch LMLM.
Trước diễn biến phức tạp của dịch LMLM, Cục Thú y đã thành lập 10 đoàn công tác trực tiếp xuống các địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch. Hiện nay, dịch bệnh LMLM ở các địa phương đã cơ bản được khống chế, kiểm soát. Hà Nội chỉ còn 4/16 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Đông
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu tháng 12/2018 đến nay, cả nước xảy ra 48 ổ dịch LMLM tại 6 tỉnh, TP. Tổng đàn gia súc bị mắc bệnh là 2.400 con, trong đó chủ yếu là lợn thịt do chưa được tiêm phòng vaccine LMLM. Hà Nội là địa phương có diễn biến dịch LMLM phức tạp nhất. Tính từ 12/11 tới nay, trên địa bàn Thủ đô có 4 huyện công bố có dịch gồm: Quốc Oai, Ba Vì, Đan Phượng và Thường Tín với 16 xã có dịch, số lợn mắc LMLM là 894 con, đã tiêu hủy 858 con.

Gia đình ông Đồng Văn Đệ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, nuôi hơn 50 con lợn thịt phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Do chủ quan không tiêm phòng bệnh LMLM, trước thông tin có dịch LMLM, ông vội bán non đàn lợn dù nửa tháng nữa mới đến thời kỳ xuất chuồng. “Tôi chấp nhận lãi ít chứ dịch bệnh không thể nói trước được điều gì. Nếu chẳng may đàn lợn bị mắc bệnh thì coi như mất trắng” - ông Đệ bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương chuyên thu mua lợn thịt ở Mỹ Đức cho biết: Từ khi có thông tin dịch LMLM, giá lợn hơi đã giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Hiện giá lợn hơi dao động từ 40.000 - 44.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi giảm là do lượng tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh, bên cạnh đó còn do người chăn nuôi lo sợ dịch LMLM nên bán tháo đàn, dù chưa tới thời điểm xuất chuồng.

Không nên quá cực đoan

Chia sẻ về tình hình dịch bệnh LMLM trên đàn lợn ở Hà Nội hiện nay, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định: Sau khi phát hiện các ổ dịch, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tiêm phòng bao vây triệt để, tiến hành tổng tẩy uế môi trường. Đối với những con lợn bị bệnh đã tiêu hủy. Hiện nay, dịch LMLM trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã được khống chế.

Người tiêu dùng và người chăn nuôi không nên cực đoan trước thông tin dịch bệnh. Thay vào đó, người tiêu dùng có thể yên tâm dùng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và được đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Không được ăn các sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợn ốm chết, nội tạng lợn chưa nấu chín, tiết canh… Đối với người chăn nuôi, không nên hoang mang trước dịch bệnh LMLM mà bán tháo đàn lợn với giá rẻ. Ngoài việc chủ động tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn, các hộ nên thực hiện các biện pháp cách ly tuyệt đối khu vực chăn nuôi. Khi phát hiện dịch bệnh, cần báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để có hướng xử lý kịp thời. Các tiểu thương bán thịt lợn phải có dấu kiểm dịch của thú y, không được bán lợn không rõ nguồn gốc, lợn bị bệnh chết.

Ông Sơn cũng chia sẻ các dấu hiệu phân biệt thịt lợn sạch và lợn nhiễm bệnh (Cụ thể, thịt lợn nhiễm dịch LMLM có dấu hiệu tím tái, không được tươi, miếng thịt nhão và rỉ nhớt…).