Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập lại trật tự đô thị: Thông thoáng nhờ sự đồng thuận

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ trương tuyên truyền là chính, cưỡng chế, xử lý vi phạm chỉ là biện pháp cuối cùng, sau hơn 3 tháng cao điểm lập lại trật tự đô thị, nhiều tuyến đường tại Thủ đô đã trở nên thoáng đãng, “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Và với nhiều người, đây là thời điểm vàng để xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại Hà Nội, bởi nếu không sẽ lại rơi vào cảnh “đá ném ao bèo”.

Dần trả lại vỉa hè cho người đi bộ
Từ trước đến nay, công tác quản lý trật tự đô thị luôn là một trong những bài toán khó đối với bất cứ địa phương nào, do nền “kinh tế vỉa hè” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Thủ đô nói riêng và tại các đô thị nói chung. Khi các lực lượng chức năng làm mạnh, làm quyết liệt vấn đề này, họ sẽ vấp phải sự phản ứng, sự đối phó của những người có liên quan. Tại nhiều nơi, khi có mặt các lực lượng chức năng, người dân tuyệt nhiên không dám vi phạm. Thế nhưng, chỉ cần các lực lượng chức năng rút đi, vi phạm lại bùng phát trở lại.
 Vỉa hè rộng thông thoáng trên phố Bà Triệu.
Bên cạnh đó, sự thiếu quyết liệt của chính quyền các địa phương, thậm chí là nạn “bảo kê” của một số cá nhân cho vi phạm trật tự đô thị đã khiến vấn đề này rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc. Vì thế, không ít người đã không còn dám tin tưởng vào mục tiêu, mục đích của các chiến dịch, các kế hoạch lập lại trật tự đô thị. Còn nhớ, sau hơn 3 năm (2014 - 2016) thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, và hàng loạt các chiến dịch lập lại trật tự đô thị trước đó, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, đặc biệt là việc xử lý tình trạng chợ “cóc” họp trên đường giao thông tại các khu vực ngoại thành. Thậm chí, tại nhiều nơi, chính quyền địa phương còn đưa ra lý do việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân để biện minh cho sự thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng cao điểm tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, với sự quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, những bất cập trên dần được khắc phục.

Tại các tuyến phố khu vực trung tâm Hà Nội như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Tôn Đức Thắng, Xã Đàn, Bà Triệu…, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường được ngành chức năng kiên quyết xử lý. Sau thời gian lập lại tự đô thị, vỉa hè đã được trả lại cho khách bộ hành. Hầu hết những người buôn bán lấn chiếm vỉa hè trước đây đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, sẵn sàng dọn dẹp hàng quán để tạo thông thoáng. Không chỉ ở các quận nội thành, trật tự đô thị tại các huyện, thị xã cũng có sự thay đổi đáng kể. Hầu hết các huyện trên địa bàn TP đều ra quân và duy trì trật tự đô thị, trật tự giao thông, nhất là tại khu vực trung tâm, thị trấn, chợ…

Theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, đến thời điểm này, đại đa số người dân Hà Nội và các địa phương đều thấy cần thiết và ủng hộ lập lại trật tự vỉa hè.

Tuy nhiên, đâu đó trên các tuyến phố vẫn còn những “hạt sạn” lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nhất là dịp cuối tuần, dù công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị vẫn được chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên nhưng chưa hiệu quả. Tại một số nơi, một số thời điểm, việc ra quân xử lý vi phạm vẫn còn nhằm mục đích đối phó với dư luận.

Phát huy sức mạnh đoàn kết

Sau hơn 3 tháng cao điểm lập lại trật tự đô thị, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP đến lãnh đạo các quận, huyện..., bộ mặt đô thị đã có những chuyển biến tích cực, tình trạng làm cho có đã từng bước được cải thiện. Ông Nguyễn Trường Giang, người dân phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy khẳng định: “Đây là thời điểm vàng để lập lại trật tự đô thị. Sau hơn 3 tháng cao điểm lập lại trật tự đô thị, nhiều người đã có chung nhận định, nhiều tuyến đường đã trở lên thông thoáng, người đi bộ đã được hưởng những cái thuộc về mình. Và để đạt được kết quả như ngày hôm nay, theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương thì những thành công này có sự góp sức không nhỏ của các tầng lớp Nhân dân. Tại nhiều nơi, chính quyền các địa phương đã phát huy tối đa tư tưởng, dân biết, làm bàn, dân làm, dân kiểm tra trong việc quản lý trật tự đô thị.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết, để ngăn chặn tình trạng tái diễn vi phạm khi lực lượng chức năng rút đi, UBND phường đã vận động lãnh đạo các khu dân cư, tổ chức đoàn thể, đặc biệt là người dân tham gia giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, UBND phường đã vận động, kêu các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... trực tiếp tham gia công tác xóa quảng cáo rao vặt, dọn dẹp vệ sinh đường phố. “Việc các tổ chức đoàn thể đại diện cho các tầng lớp Nhân dân tham gia công tác đảm bảo trật tự đô thị, VSMT sẽ góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực về việc chấp hành các quy định của pháp luật” - ông Hưng chia sẻ.

Cũng liên quan đến việc vận dụng tư tưởng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình cho biết, thực hiện Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, vừa qua, UBND phường đã giao lãnh đạo khu dân cư C3, B10, B11 phố Tôn Thất Thiệp tổ chức sắp xếp lại chợ “cóc” để đảm bảo trật tự đô thị, VSMT trong khu vực. Theo ông Trung, việc cho phép hệ thống chính trị khu dân cư tự sắp xếp trước sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho việc quản lý trật tự đô thị. Bởi, việc tổ chức sắp xếp sẽ đảm bảo được nhu cầu mua bán của người dân trong khu vực. Bên cạnh đó, khi đã được giao sắp xếp, quản lý, giám sát, lãnh đạo các khu dân cư sẽ có trách nhiệm trong việc duy trì, quản lý trật tự đô thị trong khu vực.