Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Lẽ công bằng màu da cam”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay (15/7), theo giờ Washington, Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức phiên điều trần lần thứ III về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam nhằm xem xét cách thức đáp ứng các yêu cầu của nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

KTĐT - Hôm nay (15/7), theo giờ Washington, Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức phiên điều trần lần thứ III về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam nhằm xem xét cách thức đáp ứng các yêu cầu của nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

Từ năm 1995, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ song phương. Suốt 15 năm qua, nhiều hợp tác trên các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại đến chính trị, giáo dục và văn hóa cũng như môi trường, an ninh quốc phòng... đã được đẩy mạnh. Những vấn đề nhân đạo xã hội nhạy cảm như tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), vấn đề con lai, đoàn tụ gia đình... đã để lại ấn tượng tốt đẹp về mối quan hệ Việt - Mỹ. Nhân dân Việt Nam với tinh thần nhân đạo đã góp phần hàn gắn vết thương trong quá khứ cho nhiều gia đình Mỹ, cho dù chính bản thân mình còn đang phải chịu đựng nhiều hậu quả lâu dài của chiến tranh. Trong đó có việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin, đã và đang gây bao đau thương và nhức nhối cho nhiều gia đình Việt Nam. Nhưng cho dù các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đã được Chính phủ Mỹ thừa nhận và bồi thường thiệt hại, còn các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lại bị từ chối, lảng tránh trách nhiệm bồi thường. Cho đến tận hôm nay, nhiều người Việt vẫn phải chịu đau khổ và mất mát bởi chất độc đó, nhưng hầu như không nhận được sự giúp đỡ hay bất cứ sự đền bù nào từ phía gây ra tai họa cho họ. Do đó, cùng với nhân dân tiến bộ trên thế giới trong đó có cả nhân dân Mỹ, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam quyết theo đuổi cuộc đấu tranh vì công lý, vì đạo lý, vì quyền sống hạnh phúc của con người.


Phiên điều trần lần này vẫn do Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và Các vấn đề môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện - Hạ nghị sĩ Eni F.H.Faleomaveaga khởi xướng để kêu gọi sự công bằng và hỗ trợ của Chính phủ Mỹ với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cũng như chăm sóc sức khỏe con cái cựu chiến binh Mỹ và những người Mỹ bị nhiễm chất độc này. Hạ nghị sĩ Faleomavaega cũng là người đề xuất và điều hành phiên điều trần lần thứ I vào tháng 5/2008 và lần thứ II vào tháng 6/2009.


Hạ nghị sĩ Faleomavaega từng đã phát biểu: "Chính sách của Mỹ hiện nay là bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và bình thường hóa quan hệ cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với quá khứ chúng ta gây ra". Quá khứ này đã được các giáo sư Việt Nam và Mỹ chỉ rõ rằng, việc quân đội Mỹ rải hơn 20 triệu galông chất diệt cỏ chứa chất độc da cam/dioxin tại miền Nam Việt Nam đã khiến hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc này ở những mức độ khác nhau với các di chứng như ung thư, dị dạng bẩm sinh.


Thế nhưng, các nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ còn có những đánh giá và tính toán khác nhau về tác động thực sự mà chất độc da cam/dioxin gây ra đối với con người và môi trường Việt Nam, cũng như về mức độ trợ giúp của Mỹ nhằm giúp Việt Nam khắc phục hậu quả. Dù vậy, họ đều thấy nước Mỹ cần phải gánh vác và chia sẻ trách nhiệm trên thực tế. Chính phủ Mỹ đã dành 6 triệu USD cho tẩy độc môi trường và hỗ trợ cải thiện sức khỏe người bị ảnh hưởng bởi chất da cam tại VN. Năm 2010, Quốc hội và chính quyền Mỹ cũng đã phê chuẩn và thông qua khoản kinh phí 3 triệu USD và tài khóa 2011 có thể có thêm tài chính cho vấn đề này. Quỹ Môi trường toàn cầu và Quỹ Ford đang hỗ trợ VN tẩy độc môi trường liên quan đến chất da cam và giúp một số trung tâm chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân da cam...


Việc Hạ viện Mỹ một lần nữa, với sự tham dự của nhiều quan chức thuộc chính quyền và Quốc hội Mỹ, các thành viên Nhóm Đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin, các nhà khoa học, nghiên cứu, bạn bè và người dân Mỹ lại lắng nghe về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam nhằm tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ (1995 - 2010) sẽ không chỉ là tìm đến "lẽ công bằng màu da cam" mà còn cho thấy vấn đề giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin phải được đưa vào trong mối quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, giúp tiếp tục xây dựng và củng cố lòng tin giữa hai dân tộc để mở ra nhiều khả năng hợp tác mới giữa hai quốc gia.