Lễ hội Bình Đà năm 2019: Thành kính hướng về Quốc tổ

Bài, ảnh: Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) là lễ hội đầu tiên trên địa bàn Hà Nội được ghi danh lễ hội văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Diễn ra từ ngày 8 – 10/4 (tức mồng 4 – 6/3 âm lịch), tại khu vực đền Nội Bình Đà thờ Đức thánh tổ Lạc Long Quân và đền Ngoại Bình Đà thờ Linh Lang Đại Vương, lễ hội hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn du khách trong dịp giỗ tổ Hùng Vương năm nay.
Nơi lưu giữ bảo vật quốc gia nghìn năm tuổi
Là một trong những ngôi đền cổ nhất Việt Nam, đền Nội Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, ngôi đền đầu tiên tại Việt Nam thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân hiện còn lưu giữ rất nhiều cổ vật quý.
Phần hội tại Lễ hội Bình Đà năm 2019 được tổ chức an toàn, tiết kiệm, vui tươi.
Đặc biệt là bảo vật quốc gia bức phù điêu trên 1.000 năm tuổi độc nhất vô nhị tạc hình Quốc tổ Lạc Long Quân và 2 bức phù điêu bán quy sơn, bán quy hải mô phỏng truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân sinh ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người theo cha xuống biển.
Cụ Bùi Đăng Thịnh – nguyên Thủ từ Đền Nội Bình Đà cho biết: “Theo truyền thuyết, đây là nơi hóa thân của Đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Để tưởng nhớ công lao với đất nước, dân tộc của bậc tiền nhân khai thiên và noi gương bao thế hệ cha ông thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nề nếp thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân đã được Nhân dân duy trì và càng được chú trọng”.
Sử sách cũng ghi rõ, suốt sáu thế kỷ, 16 vị vua của các triều đại đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc tổ và đã có 16 Hiến sắc, suy tôn Lạc Long Quân là “Khai Quốc Thần”. Các Hiến sắc này đều được lưu giữ tại đình Nội – Bình Đà và Viện Bảo tàng lịch sử quốc gia. Từ xưa đến nay, vào dịp lễ hội đều có đoàn Thủ từ của đền Hùng - Phú Thọ về dâng hương Quốc tổ và xin rước chân nhang ở hương án Đệ Nhất của đền Nội về thờ, với ý nghĩa cung kính đón Quốc tổ về dự hội đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch.
Nhiều điểm mới
Lễ hội Bình Đà 2019 là một trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu nhằm tưởng nhớ bậc tiền nhân đã có công lao với đất nước. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết, Lễ hội Bình Đà năm nay sẽ được tổ chức bài bản, trang trọng, an toàn và tiết kiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phần lễ trang trọng theo đúng nghi thức truyền thống, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức.
Đặc biệt là dàn dựng màn trình diễn về truyền thuyết Âu Cơ, Lạc Long Quân đặc sắc, quy mô lớn. Bên cạnh đó, phần hội cũng được Ban tổ chức lên kế hoạch, sắp xếp hợp lý, thu hút sự tham gia đông đảo Nhân dân trên địa bàn, du khách thập phương. Phần hội năm nay bao gồm: Thi đấu cờ tướng, trò chơi dân gian bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu; thi đấu giao lưu giải cờ tướng, cầu lông, bóng bàn. Đáng chú ý, trong khuôn khổ lễ hội, huyện Thanh Oai còn trưng bày 22 gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề tiêu biểu của các xã, thị trấn trong và ngoài huyện.
Thúc đẩy phát triển du lịch
TheoTrưởng phòng VH&TT huyện Thanh Oai - Phó trưởng Ban tổ chức Lễ hội Bình Đà 2019 Trần Văn Lợi, Lễ hội năm nay là dịp để Thanh Oai quảng bá hình ảnh, đặc biệt là giới thiệu các sản phẩm làng nghề tiêu biểu của huyện đến bạn bè trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của huyện Thanh Oai.
Thanh Oai có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch làng nghề. Hiện, toàn huyện có 147/266 di tích đã được xếp hạng, 81 lễ hội. Cùng với đình Nội Bình Đà thờ Thánh tổ Lạc Long Quân, trên địa bàn huyện còn có chùa Bối Khê thờ thánh Bình An là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất của TP Hà Nội.
Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Đinh Trường Thọ cho hay, nhằm phát huy tiềm năng du lịch địa phương, từ năm 2016, Huyện ủy Thanh Oai đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp không khói giai đoạn 2017 – 2020. Các kế hoạch, đề án đều được cụ thể hóa dựa trên các nghị quyết mà Bộ Chính trị và Thành ủy Hà Nội đã đề ra về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020.
Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp Sở Du lịch Hà Nội triển khai lắp đặt các biển chỉ dẫn và giới thiệu về điểm du lịch trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo xây dựng các ấn phẩm, tài liệu số về những sản phẩm làng nghề, ẩm thực của huyện.

"Lễ hội Bình Đà là môi trường sinh hoạt văn hóa góp phần quan trọng tạo ra sức mạnh đoàn kết cộng đồng, tạo môi trường giáo dục về lịch sử, văn hóa cho các thế hệ tiếp nối. Do đó, sự thành công của lễ hội có ý nghĩa quan trọng, là nguồn động lực to lớn động viên Nhân dân và cán bộ trong huyện ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng Thanh Oai phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, vững chắc." - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà