Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội gắn với huyền thoại về tình yêu độc đáo

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/5, Đoàn kiểm tra của Sở VH&TT Hà Nội làm việc với huyện Thường Tín về việc triển khai, thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử – Tiên Dung (xã Tự Nhiên) năm 2024.

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại xã Tự Nhiên (Thường Tín, Hà Nội) là lễ hội đặc sắc, mang đậm giá trị văn hoá truyền thống lâu đời của người Việt nói chung và Nhân dân vùng ven sông Hồng, trong đó có xã Tự Nhiên nói riêng.

Đoàn kiểm tra làm việc tại Đình Thượng (xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Lại Tấn
Đoàn kiểm tra làm việc tại Đình Thượng (xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Lại Tấn

Câu chuyện về tình yêu

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là lễ hội lâu đời, lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa lịch sử vùng đồng bằng sông Hồng. Ngày 1/4 Âm lịch hàng năm cũng được coi là ngày lễ của làng, các đền, chùa được mở cửa để người dân trong xã và du khách tham quan, cúng lễ.

Xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín, Hà Nội) có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: đình Hạ – đình Thượng và khu Giá ngự thuộc quần thể di tích thờ Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và Hồng Vân công chúa.

Một trong màn múa rồng tại lễ hội. Ảnh: Thanh Hải
Một trong màn múa rồng tại lễ hội. Ảnh: Thanh Hải

Theo các vị cao niên trong làng, truyền thuyết kể về thiên tình sử giữa Chử Đồng Tử - Tiên Dung kỳ lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Một nàng công chúa lá ngọc cành vàng, xinh đẹp, quyền quý, con vua Hùng Vương thứ 18 sau một lần tình cờ gặp nhau trên bãi cát làng Tự Nhiên, bất chấp mọi lễ giáo phong kiến, ngôi vị thứ bậc trong xã hội đã yêu, kết duyên với người con trai mồ côi, nhà nghèo nhưng rất mực hiếu thảo.

Truyền thuyết này không chỉ dừng lại ở một mối tình mà còn ca ngợi sự cống hiến lớn lao của hai vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung trong việc cứu giúp người đời khỏi bệnh tật, tai ương. Đi đến đâu, họ cũng dang rộng vòng tay để cứu giúp người khó, người khổ, chỉ đường dẫn lối cho họ sống tốt hơn. Chính vì thế mà người đời tôn Chử Đồng Tử là một trong “Tứ bất tử” với sự thành kính, thờ phụng.

Lễ hội được tổ chức trang trọng với những nghi thức mang đặc sắc văn hóa vùng châu thổ sông Hồng là rước nước, rước kiệu từ đình làng ra bãi cát, được coi là nơi kết duyên giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung.

Đảm bảo văn minh, an toàn

 Sáng 7/5, Ban tổ chức lễ hội đã thực hiện nghi thức rước nước; tại sân đình cũng diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống. 

Đoàn rước kiệu tại lễ hội. Ảnh: Thanh Hải
Đoàn rước kiệu tại lễ hội. Ảnh: Thanh Hải

Rước nước là một nghi lễ trang trọng được giao cho những người cao tuổi có uy tín được những chiếc thuyền đi ra giữa sông Hồng rồi lấy nước vào chum, sau đó được chuyền về lễ Thánh ở đình làng. Việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc, nhằm tưởng nhớ về thánh Chử Đồng Tử với nghề đánh cá xuôi ngược trên sông.

Rước kiệu được cử hành long trọng đúng với nghi lễ cổ truyền một nghi lễ trọng thể đầy đủ các tự khí với trống chiêng rộn ràng, cùng đó là những bản nhạc của phường bát âm.

Tại buổi kiểm tra, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình - Sở VH&TT Hà Nội Bùi Minh Hoàng lưu ý địa phương đảm bảo an toàn trong những ngày diễn ra lễ hội. Nghiêm túc triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội, phòng chống cháy nổ… đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, để di tích là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng ghi nhận xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín là một trong những địa phương làm tốt việc quản lý và tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, đại diện Cục Văn hoá cơ sở đề nghị chính quyền địa phương lưu ý đến Thông tư 04 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội và "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống".