Thu hút hàng vạn người
Năm nay, một lần nữa khu vực quanh tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) lại được trang trí lộng lẫy. Đèn lồng mang phong cách Nhật Bản giăng mắc suốt dọc đường Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Thạch, Lý Thái Tổ. Hình ảnh những địa danh nổi tiếng của Nhật Bản như đền Kinkaku-ji ở Kyoto, tháp Tokyo, núi Phú Sĩ… được sắp xếp cạnh tháp Rùa Hồ Gươm, chùa Một Cột, cầu Nhật Tân… của Việt Nam để du khách có thể trải nghiệm chụp ảnh “selfie”.
Tâm điểm trong lễ hội là hàng ngàn cành hoa anh đào khoe sắc trước tượng đài Lý Thái Tổ, quanh khu nhà Bát Giác, bên cạnh hoa cúc, hoa ban, hoa mai của Việt Nam. Có mặt khá sớm để thưởng hoa, bà Vũ Then – người dân khu phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) đánh giá: “Hoa năm nay đẹp hơn so với mọi năm, hơn nữa lại có nhiều loại hoa xen kẽ với hoa anh đào, khiến cho từng tiểu cảnh trưng bày không bị rối mắt”.Ước tính, trong hai ngày cuối tuần vừa qua, lễ hội năm nay thu hút hàng vạn người tham gia, đa số là các bạn trẻ người Việt Nam và Nhật Bản. Bên cạnh đó, không ít du khách nước ngoài cũng tỏ ra khá thích thú với không gian giao lưu văn hóa đặc sắc này. “Năm nay chương trình hoành tráng nằm ngoài sức tưởng tượng của mình. Hoa còn được sắp xếp theo nhiều chủ đề khác nhau nên khiến cho mọi người rất dễ tham quan, tìm hiểu” - bạn Mai Phương, quê ở Nghệ An chia sẻ.Ghi nhận tại không gian lễ hội, có khá nhiều dịch vụ cho thuê hoặc bán hoa đội đầu hay cho mặc thử miễn phí các trang phục kimono của Nhật Bản để phục vụ các bạn trẻ thỏa sức tạo dáng bên những cây hoa anh đào đầy màu sắc. Đa dạng các hoạt độngLễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản năm 2018 là hoạt động được phối hợp thực hiện giữa UBND TP Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản và Công ty AIC tổ chức nhằm kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Song song với hoạt động trưng bày và triển lãm các loài hoa là các chương trình giao lưu văn hóa đặc sắc như: Trò chơi dân gian của Nhật Bản, biểu diễn võ thuật và trao đổi, giao lưu văn hóa.Có lẽ hoạt động đáng chú ý hơn cả là không gian trưng bày ẩm thực tại Cung Thiếu nhi Hà Nội với sự góp mặt của gần 20 gian hàng, đa dạng các khu ẩm thực khác nhau như: Khu ẩm thực Nhật Bản trưng bày, trình diễn, chế biến và giới thiệu những món ăn đặc trưng của đất nước mặt trời mọc bao gồm mì ramen và mì soba, mì xào yakisoba, bánh nướng takoyaki, cơm cuộn shushi, bánh mochi và các loại đồ uống… Bên cạnh đó, tại gian hàng trưng bày ẩm thực Việt Nam là sự góp mặc của các món ăn đặc trưng của Hà Nội như: Phở, bánh chưng, bún thang, bánh khúc, bánh cuốn, bánh mì, phở cuốn…
Múa Yosaki - điệu múa đặc trưng của Nhật Bản được trình diễn trong không gian đi bộ quanh Hồ Gươm. Ảnh: Phạm Quý |
Ai cũng hào hứng cổ vũ theo, tạo nên một không khí náo nhiệt. Là một trong số những bạn trẻ có sự quan tâm lớn hoạt động này, Tuấn Mạnh trầm trồ: “Múa Yosaki là một điệu múa rất đặc sắc và trẻ trung. Ý nghĩa của nó nghĩa là “Mời bạn tới chung vui, múa hát”. Trong trang phục được thiết kế khá bắt mắt với nhiều màu sắc và đạo cụ trên tay, các nghệ nhân và các bạn trẻ biểu diễn tại đây không kém gì so với những người biểu diễn bên Nhật Bản tôi đã từng xem”.Để giới thiệu tới người dân Thủ đô về các giá trị văn hóa độc đáo của Nhật Bản, tại khu vực nhà Bát Giác, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, Ban tổ chức đã tiến hành dựng 16 gian hàng với đủ các hoạt động hấp dẫn như: Trà đạo, cờ vây, cờ tướng, nghệ thuật gấp giấy, xe ô tô, đồ chơi điều khiển từ xa, câu bóng yoyo bằng cần câu…Bữa tối bằng chiếc bánh mì… vẫn vuiĐể đảm bảo cho hoa Anh đào luôn khoe sắc thắm, từng tiểu cảnh của hoa không bị lộn xộn vì đông người, suốt tuần qua, hàng trăm công nhân đã có những đêm không ngủ. Bà Hương Thủy – Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VH&TT Hà Nội), thành viên Ban tổ chức cho biết: Trước lễ hội, hơn 1.000 nhân lực của Sở VH&TT, Công ty AIC, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội làm việc ngày đêm, vừa lo khâu tổ chức, vận chuyển, bảo quản hoa, vừa tiến hành tạo dựng các tiểu cảnh cho lễ hội.
Vì nơi diễn ra lễ hội luôn tập trung đông người, nên lực lượng công nhân phải thay nhau túc trực làm việc ban đêm. Khi lễ hội mở cửa, do thời tiết hanh nóng, nên hoa anh đào dễ héo. Sau 0 giờ mỗi ngày, khi dòng người thưởng hoa tản mác về nhà, hơn 100 công nhân lại vội vã tháo từng cành hoa héo, tỉa từng cánh hoa, sắp xếp lại các tiểu cảnh để đảm bảo sáng sớm mai thức dậy, hoa anh đào luôn giữ độ tươi thắm trong lễ hội.21 giờ tối 24/3, trong lúc hàng nghìn du khách đang háo hức ngắm hoa, chụp ảnh, anh Công Minh – nhân viên bảo vệ quận Hoàn Kiếm vừa tay cầm chiếc bánh mì, tay kia không quên hướng dẫn, nhắc nhở một cháu bé vượt hàng rào vào hái hoa. “Vì không có lúc nào ngớt khách nên chúng tôi không được phép rời vị trí. Vội ra thay ca nên chưa kịp ăn tối, tôi đành ăn bánh mì lót dạ. Tuy mệt nhưng mà vui, vì mọi người đến đây đều thấy hài lòng” – anh Minh chia sẻ.Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản 2018 đã dần đi vào những ngày cuối cùng. Trong không khí nhộn nhịp và hào hứng đó, người dân Thủ đô đang từng bước được trải nghiệm những hoạt động đặc sắc nhất, tinh túy nhất với các hoạt động đồng hành với sự kiện trọng đại này. Hy vọng với những thành công hôm nay, sẽ mở ra những hoạt động giao lưu, hợp tác và phát triển hơn nữa để xứng đáng với chặng đường 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Để đảm bảo không gian lễ hội được trải dài và ngập tràn sắc hoa, theo thông tin từ Công ty AIC, số lượng hoa anh đào tăng gấp 3 lần so với dự kiến, từ 10.000 cành lên thành 30.000. Dự kiến, Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản 2018 sẽ kết thúc vào 22 giờ ngày 26/3. |