Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ khai giảng và những kỳ vọng thay đổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/9, gần 20 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, ngày khai giảng được tổ chức đồng loạt trên tinh thần đơn giản, gọn nhẹ nhưng thiết thực, ý nghĩa, để ngày khai giảng thực sự là ngày vui của học sinh.

Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ mở đầu cho những thay đổi lớn cuả ngành giáo dục nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn, toàn diện hơn, làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của BCH T.Ư Khóa XI.

Lễ khai giảng năm nay có lẽ sẽ rất đáng nhớ với hàng chục triệu học sinh và phụ huynh cả nước khi tất cả các trường đều tổ chức cùng một ngày 5/9. Sự điều chỉnh này nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015, nhằm giảm bớt sự vất vả cho học sinh khi phải “tập dượt, xếp hàng dưới nắng, mưa chờ lãnh đạo đến khai mạc, hoặc phải nghe những bài phát biểu mà có khi các em chẳng hiểu gì”. Thay vào đó, sẽ là một buổi lễ khai giảng ngắn gọn, ý nghĩa, thực sự là ngày hội đến trường của học sinh; Những bài diễn văn dài dòng, liệt kê thành tích sẽ được thay bằng lời chào năm học mới, ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc, tạo hứng khởi cho học sinh, đặc biệt là các lớp đầu cấp, giúp các em nhanh chóng thích nghi với môi trường học tập mới.      

 
Lễ khai giảng và những kỳ vọng thay đổi - Ảnh 1
Ảnh minh họa
 Đón năm học mới, người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà không thể không nhớ lại những dấu ấn đổi mới, phần nào đem lại dư âm tích cực và niềm tin cho xã hội về quyết tâm của ngành Giáo dục, điển hình là đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới chương trình, sách giáo khoa… Kết quả ấy là minh chứng cho sự cần thiết, đúng hướng của các chủ trương đã vạch ra để ngành giáo dục và toàn xã hội yên tâm, vững tin tiếp tục triển khai các công việc tiếp theo trong lộ trình đổi mới giáo dục. 

Thay đổi cách thức tổ chức để trả lại ý nghĩa đích thực của Lễ khai giảng năm học mới chỉ là một trong rất nhiều hoạt động của một năm học.  Nhưng sự thay đổi ấy lại mang một ý nghĩa rất tích cực. Xã hội đồng thuận, các nhà quản lý giáo dục cũng đã nhận ra sự bất hợp lý từ những hoạt động mang tính hình thức, gây nhiều phiền toái, lãng phí thời gian, công sức của học sinh, giáo viên. Bớt đi những lễ khai giảng rầm rộ, hình thức, ngành giáo dục và chính quyền các cấp sẽ hướng hoạt động giáo dục vào những việc hữu ích, thiết thực hơn, đồng thời dành sự quan tâm xứng đáng về thời gian, tiền bạc giúp thầy trò vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn khó khăn vui hơn trong ngày đầu năm học, có thêm nguồn động viên để vượt qua thiếu thốn để dạy tốt học tốt.

Một khi quyết tâm đã có, xã hội có quyền hy vọng vào một sự thay đổi lớn hơn của sự nghiệp giáo dục. Đó là bước vào năm học đầu tiên thực hiện Kế hoạch hành động của ngành, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết trung ương về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mà một trong những việc được chọn triển khai ngay từ những ngày đầu năm học là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh,  nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục toàn diện. 

Năm học mới 2015 - 2016 được bắt đầu trong bối cảnh ngành giáo dục vừa trải qua những ngày căng thẳng nhất của đợt 1 xét tuyển đại học bằng kết quả của kỳ thi hai trong một, với những thành công bước đầu và cả những vướng mắc, phiền hà do cách thức triển khai của Bộ đã gây ra cho học sinh, phụ huynh. Những phản ứng xung quanh kỳ thi này là bài học rất có ý nghĩa cho ngành giáo dục trong quá trình triển khai những đề án cải cách giáo dục liên quan đến quyền lợi của người học.

Dẫu con đường giáo dục còn lắm ổ gà ổ voi, tắc đường, sạt lở nhưng xã hội vẫn kỳ vọng vào một sự thay đổi mang tính quyết định khi giữa những ngày đầy sóng gió vừa qua, người đứng đầu ngành Giáo dục- Đào tạo nước nhà đã kịp thời tiếp thu, nhận trách nhiệm và hứa khắc phục. Không chỉ là một kỳ xét tuyển đại học; không chỉ là một ngày Lễ khai giảng, mà là nhìn thẳng vào những yếu kém, khắc phục những tồn tại của ngành để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục như mục tiêu Nghị quyết 29 của BCH T.Ư Khóa XI đã đề ra./.