Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Lên dây cót” thu hồi nợ thuế

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Danh sách hàng trăm DN nợ thuế vừa được cơ quan thuế Hà Nội tiếp tục công khai. Điều đáng nói, trong đó có hàng loạt DN nợ thuế đã bị công khai danh tính nhiều lần nhưng vẫn chây ì hoặc chưa thu xếp được tài chính để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Hàng loạt đơn vị bị “bêu tên” nhiều lần
Mới đây, Cục Thuế TP Hà Nội đã tiếp tục công khai danh sách 441 đơn vị nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất với số nợ gần 105,8 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2019. Trong danh sách này, Cục Thuế đã công khai lại 78 đơn vị nợ hơn 61,5 tỷ đồng thuế, phí, tiền phạt và tiền chậm nộp đã từng được công khai từ các năm 2015, 2016, 2017 hoặc 2018.
Đứng đầu danh sách này là Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại - Vinawaco 25, nợ hơn 12,8 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty Xây dựng Trường Giang nợ hơn 5,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Phát triển Kỹ thuật điện và viễn thông công nghệ cao nợ 5,5 tỷ đồng; Công ty CP Lisohaka nợ 5,3 tỷ đồng; Công ty CP Rosland nợ 4,7 tỷ đồng.
 Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại (Vinawaco) đứng đầu danh sách về nợ thuế. Ảnh: Tiên Phong
Ngoài ra, có 363 đơn vị bị công khai lần đầu với số nợ hơn 44 tỷ đồng thuế, phí, tiền thuê đất, tiền phạt và tiền chậm nộp tính đến ngày 30/9/2019. Đứng đầu danh sách nợ thuế, phí là Công ty CP Bất động sản Thăng Long với số nợ hơn 2,7 tỷ đồng.
Sau đó là Công ty CP Tập đoàn Đất Việt nợ hơn 1,8 tỷ đồng. Có 3 đơn vị nợ hơn 7,5 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuê đất, trong đó, Công ty CP Dịch vụ đường sắt khu vực 1 nợ nhiều nhất, lên tới hơn 6,7 tỷ đồng.
Tính chung từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan thuế Hà Nội đã công khai lần đầu với 1.976 đơn vị nợ thuế phí, các khoản liên quan đến đất, tiền phạt và tiền chậm nộp với tổng số tiền nợ hơn 2.615 tỷ đồng. Đồng thời, công khai lại với 572 đơn vị, tổng số tiền nợ hơn 4.542 tỷ đồng. Tổng cộng đã đăng công khai 2.548 DN và dự án với tổng số tiền nợ hơn 7.157 tỷ đồng.
Tại các Chi cục Thuế quận, huyện, công tác công khai, đối thoại với các DN nợ thuế khó đòi cũng được cơ quan thuế triển khai quyết liệt. Mới đây, ngày 10/10, Chi cục Thuế Đống Đa đã gặp gỡ 120 đơn vị có số nợ thuế lớn trên địa bàn.
9 tháng năm 2019, Chi cục đã điều chỉnh và thu hồi được 220 tỷ đồng tiền nợ thuế các loại, thực hiện cưỡng chế tài khoản ngân hàng với 414 đơn vị; cưỡng chế thông báo hóa đơn với 450 đơn vị và công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện truyền thông với 79 đơn vị nợ thuế kéo dài.
Nợ kéo dài, đề xuất các biện pháp cưỡng chế
Cuối năm là thời gian cao điểm thu ngân sách, trong đó, thu hồi nợ thuế là một nhiệm vụ quan trọng được cơ quan thuế xác định quyết liệt triển khai. Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho hay, trong các tháng cuối năm, cơ quan thuế tiếp tục phân tích, đánh giá tình trạng nợ thuế; phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường đôn đốc thu nợ.
“Đối với các đơn vị có số nợ lớn kéo dài, chây ì thuế, cơ quan thuế tham mưu đề xuất các biện pháp cưỡng chế phù hợp với từng người nộp thuế để thu hồi nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế và hạn chế tỷ lệ nợ mới phát sinh; thực hiện các quyết định cưỡng chế theo quy trình” - ông Sơn nhấn mạnh.
Tại các Chi cục, công tác thu nợ cũng được gấp rút thực hiện để hoàn thành mục tiêu năm 2019. Đơn cử, tại Chi cục Thuế Đống Đa, ngay từ đầu năm, Chi cục đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm thu hồi nợ cũ và không để nợ mới phát sinh. Chi cục đã giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng lãnh đạo chi cục, từng đội thuế, từng cán bộ và coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét thi đua của cán bộ, công chức.
Ban lãnh đạo Chi cục đã liên tục mời và làm việc trực tiếp với nhiều đơn vị nợ thuế để tháo gỡ khó khăn cũng như quyết liệt yêu cầu các đơn vị thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế với 100% những DN nợ trên 5 triệu đồng, công khai các đơn vị chây ì, nợ thuế kéo dài trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

"Một là, Việt Nam cần loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh giá tác động. Hai là, với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này. Cả hai hành động này đều nhắm tới việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng." - Chuyên gia về chính sách thuế (Tổ chức Oxfarm) Johan Langerock


"Bên cạnh những đơn vị có khó khăn thực sự trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hay vướng mắc trong chính sách, vẫn còn những đơn vị chây ì nợ tiền thuế dù cơ quan thuế thường xuyên đôn đốc, thậm chí thực hiện các biện pháp cưỡng chế nhưng vẫn chưa chấp hành." -  Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đống Đa Lê Quang Hùng