Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, PGS.TS Phạm Quang Long: Văn hóa thị dân vẫn đọng lại những điều tốt đẹp Ở Hà Nội trước đây khu vực 36 phố phường là khu vực quần cư của các hiệp hội làng nghề thủ công - những cư dân đô thị đầu tiên, tiến tới hình thành tầng lớp thị dân của Hà Nội. Nhưng Hà Nội ngày ấy và Hà Nội bây giờ rất khác nhau, tầng lớp thị dân và cư dân ở khu vực ấy cũng khác rất xa với các quận trẻ, mới khác của Hà Nội, bởi công việc, nghề nghiệp của cư dân và nguồn gốc cư dân các vùng ấy khác nhau.
Tính chất pha trộn về nguồn gốc, công việc, trình độ, nếp sống… rất khác nhau. Cư dân ở đó bây giờ chỉ có một số lượng rất ít các “thị dân” đúng nghĩa còn các thị dân bây giờ ở đó cũng khá xa nhau về ý thức công việc, thái độ nghề nghiệp, sự gắn bó với nhau do tính chất công việc họ đang làm. Ở những phố chính, các gia đình Hà Nội vẫn giữ những nghề kinh doanh truyền thống thì chất thị dân xưa vẫn còn tuy ít nhiều đã có biến đổi.
Cái nghiêm cẩn, nền nếp, cổ kính… đang nhạt dần nhường chỗ cho thái độ hợp tác mới nhưng dường như hối hả, gấp gáp và sòng phẳng hơn. Áp lực của điều kiện sống mới đã làm biến đổi truyền thống văn hóa gia đình của họ. Đó là không kể rất nhiều những cư dân ở đây đã không hành nghề của ông cha nên nếp nghĩ, nếp sống dường như không còn bao nhiêu bóng dáng của “truyền thống thị dân”.
Trong số những cái mất đi này, có cả những điều tử tế và cả những thứ không còn phù hợp. Trong sự pha trộn, dung hợp của “văn hóa phố cổ đời mới” có những giá trị cũ vẫn còn giữ được nhưng đã mang áo khoác mới song có không ít điều tử tế đã mai một. Điều thấy rõ nhất là chất tinh hoa trong văn hóa thị dân đang nhạt nhòa dần. Đó là một điều đáng tiếc. Theo tôi, không thể hy vọng vào sự khôi phục một tầng lớp thị dân và văn hóa thị dân như xưa nay ta vẫn quan niệm vì những điều kiện lịch sử để hình thành nó không còn nữa. Nhưng với tôi, văn hóa thị dân vẫn đọng lại những điều tốt đẹp, cần phát huy dù vẫn biết rằng trong đó có những thứ không hợp với mình.
Chánh Văn phòng T.Ư Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Nguyễn Thanh Tùng: Xây dựng văn hóa chung cư để hình thành nếp sống đô thịVề văn hóa đô thị, từ trước đến nay, người Việt Nam chỉ có văn hóa "nằm ngang" chưa có văn hóa theo chiều dọc, theo chiều thẳng đứng, theo phong cách chung cư, thang máy. Tôi đánh giá, nhà ở chung cư như là một "cỗ máy" để ở, đòi hỏi cư dân sống trong đó phải thành thạo các kỹ năng, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật thành thạo.
Lối sống nông thôn từ hàng ngàn năm với nếp sống, thói quen, cách ứng xử phù hợp với hương ước của làng, với quy định của cộng đồng làng xã, dòng tộc theo kiểu "phép vua thua lệ làng, trọng tình hơn lý, tắt lửa tối đèn có nhau"... tự do đến mức tùy tiện nhưng đầy tính nhân bản, ăm ắp tình người, tạo nên văn hóa làng truyền thống. Khi chuyển sang sống trong đô thị, đặc biệt là trong các khu đô thị mới, các tòa chung cư thì văn hóa làng đã không còn bền vững và bắt đầu bị tác động bởi lối sống đô thị, bởi môi trường sống của khu đô thị mới. Đó là một thách thức cho các nhà quản trị đô thị và cho mỗi cư dân sống trong các khu đô thị mới, các tòa chung cư.
Theo tôi, để xây dựng lối sống văn hóa chung cư, trước hết từ khi quy hoạch, chủ đầu tư phải tuân thủ thiết kế, phù hợp với văn hóa, lối sống của tầng lớp khách hàng mục tiêu của mình. Hiện nay, chủ đầu tư đánh vào tâm lý sính ngoại của người dân nên đặt tên chung cư theo tiếng nước ngoài, xây dựng theo các tiêu chuẩn châu Âu... Tiếp đến, người dân sống trong chung cư phải có ý thức tuân thủ pháp luật, ngay từ khi mua bán với chủ đầu tư phải có mời luật sư tham gia, góp ý, tư vấn để đảm bảo quyền lợi cho mình. Về vấn đề quản lý, hiện nay đặt ra câu hỏi, cấp phường, xã quản lý khu đô thị như thế nào? Tôi đánh giá công tác này hiện nay chưa tốt, thế nên mới nảy sinh tâm lý người dân vẫn thích ở nhà trong phố, trong ngõ ngách, dù nhỏ, chật chội nhưng vẫn có tâm lý yên tâm hơn. Chủ đầu tư sau một thời gian sẽ "xẻ thịt" các diện tích công cộng để cho thuê, sinh lời... tạo xung đột với cư dân. Bên cạnh đó, công tác truyền thông mới chỉ phản ánh được một phần. Theo tôi, cần phải tuyên truyền hơn nữa về lối sống mới trong khu chung cư, những điển hình tốt phải tuyên truyền. Cần có một bộ quy tắc ứng xử tại khu đô thị, phát cho những hộ dân khi họ chuyển về sinh sống. Đó là chuẩn quy tắc chung của khu dân cư mà mọi người phải có trách nhiệm tuân theo.
Xây dựng văn hóa chung cư là rất cần thiết, qua đó tạo lối sống mới.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, TS Nguyễn Viết Chức: Người đô thị góp phần làm nên không gian đô thịNgười đô thị về nguyên tắc phải là người ở đô thị. Nhưng người ở đô thị, nhất là trong xu thế đô thị hóa nhanh như ở nước ta, chưa hẳn đã là người đô thị. Do nhu cầu công việc, do mưu sinh và những lý do khác trong điều kiện sự dịch chuyển nơi cư trú ngày càng phổ biến và dễ dàng hơn, dòng người dịch chuyển vào đô thị ngày càng lớn hơn. Người ta dịch chuyển từ nhiều vùng với những đặc trưng văn hóa khác nhau, lối sống và ứng xử văn hóa khác nhau vào thành phố, về cùng một ngôi nhà có hàng ngàn người chung sống với nhiều không gian và các tiện ích dùng chung. Cách thức tổ chức đời sống cá nhân, đời sống gia đình có nhiều đổi khác. Có một số ít người thay đổi và thích nghi nhanh chóng. Tuy nhiên, phần lớn chưa thích nghi kịp và xung đột văn hóa diễn ra trong mỗi con người, trong gia đình và trong cả cộng đồng.
Đã có những bữa tiệc bày ra ngay tại hành lang chung cư. Thang máy bị chiếm dụng vì lý do rất riêng của ai đó! Vỉa hè được sử dụng như sân nhà của những nhà có mặt phố. Thế là những “đợt ra quân” dẹp vỉa hè diễn ra quyết liệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Chưa ai tổng kết xem những “đợt ra quân” kiểu ấy tốn kém bao nhiêu và hiệu quả đến đâu? Nhưng nhìn chung cách làm ấy không hiệu quả vì “xưa” quá rồi! Và sự hời hợt của nó biểu hiện ở những người chủ trương “quyết liệt” là ở chỗ họ không nắm được hoặc cố tình không nắm cái gốc của vấn đề là cách thức tổ chức đời sống đô thị vẫn giữ lề thói làng và bản thân những người ở đô thị vì lý do nào đó họ chưa phải là người đô thị theo đúng nghĩa của nó. Thêm vào đó là lợi ích, là kế sinh nhai và thói quen cố hữu “chiếm dụng vỉa hè” với nhiều mục đích khác nhau của các nhóm người khác nhau. Thế là vỉa hè cho người đi bộ trong đô thị không còn. Nó lại góp phần làm cho người ở đô thị không phải là người đô thị đúng nghĩa và một loạt hệ lụy kém theo: Khạc nhổ bừa bãi, bẻ cành, ngắt hoa…, thậm chí là “tiểu đường” theo “nhu cầu” không kiêng nể người xung quanh.
Thế rồi người “Hà Nội gốc” trách người Hà Nội nhập cư mang văn hóa làng xã vào đô thị. Sự thật cũng không hoàn toàn như thế. Những người được coi là Hà Nội gốc vốn ở phố cổ, tổ tiên họ vốn cũng là người ở làng nghề nọ, huyện nghề kia ra kẻ chợ mà lập nên những phố nghề. Chính cuộc sống phố phường là tạo ra cho họ lối sống đô thị mà thành người đô thị. Rất tiếc trong thời gian dài, chúng ta quản lý đô thị yếu kém…, người ta đành “xuê xoa” cho nhau rồi thành quen, đánh mất cái cần có của người đô thị. Và thế là người gốc đô thị mai một chất đô thị, người nhập cư chưa thích ứng đủ là người đô thị làm cho dân số đô thị tăng cao nhưng người đô thị không tăng mà còn có phần giảm ở một khía cạnh nào đó. Phải chăng đó là nguyên nhân cốt tử nảy sinh một loạt vấn đề bất cập hiện nay ở các thành phố, ngay cả trong các khu đô thị được gọi là mới và hiện đại?
Vấn đề quan trọng bậc nhất là phải có người đô thị thì thành phố mới thực sự là đô thị. Nhưng không có hạ tầng đô thị, không gian đô thị; không có đời sống đô thị và các thiết chế đô thị thì làm sao có người đô thị? Một đô thị không quan tâm đến công viên để người đô thị thở, hạn chế nhịp sống gấp gáp và những hệ lụy của nó với sức khỏe, với hiệu quả lao động và với chất lượng sống của cá nhân và cộng đồng. Một đô thị không quan tâm đến các khu vui chơi giải trí cộng đồng chỉ quan tâm xây nhà để bán thì dẫu có nhà đô thị vẫn chưa có người đô thị, hoặc chí ít cũng chưa có điều kiện để người sống trong đó trở thành người đô thị. Và chưa có người đô thị thì sẽ cứ quẩn quanh mãi những cách thức cũ để giải các bài toán không mới nhưng hết sức khó chịu của đô thị hiện nay.