Quân nổi dậy chiếm được Thủ đô Tripoli Một tuần sau ngày diễn ra cuộc biểu tình (15/2), nhiều quốc gia bắt đầu các chiến dịch sơ tán công dân khỏi Libya trong lúc cuộc đụng độ giữa người trung thành với ông Gaddafi và phiến quân nổi dậy ngày càng leo thang. Ngày 17/3, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết số 1973 áp đặt vùng cấm bay ở Libya. Hai ngày sau, các cường quốc phương Tây đã nhất trí thông qua "các biện pháp quân sự cần thiết" để thực thi nghị quyết trên. Sau khi lần lượt được các quốc gia Arab và phương Tây công nhận là đại diện hợp pháp của người dân Libya, Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) của phiến quân đã được trợ giúp cả về vật chất lẫn yểm trợ về quân sự. Đêm 21/8, phiến quân đã tiến hành cuộc tổng tấn công vào Tripoli và bắt giữ 3 con trai của ông Gaddafi là Saif, Saadi, Mohammed, tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được nơi ẩn náu của người con trai còn lại là Colonel. Các hãng truyền thông quốc tế cho biết, lực lượng trung thành với ông Gaddafi vẫn đang kiểm soát một phần nhỏ của Tripoli và ngoại ô thủ đô.
Ngay sau thông tin phiến quân kiểm soát được thành trì của ông Gaddafi, lãnh đạo các nước trên thế giới đã phát đi những thông điệp kêu gọi ông này nên từ chức. Mỹ, Anh, Pháp, Australia đã kêu gọi ông Gaddafi từ chức ngay lập tức để cứu người dân Libya tránh khỏi cảnh đổ máu. Tổng Thư kí NATO Anders Fogh Rasmussen cũng tuyên bố, chế độ Gaddafi đang "sụp đổ" và cho biết sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp quân sự cần thiết đến khi lực lượng trung thành của ông Gaddafi đầu hàng. Đặc biệt, ôngRasmussen cho biết, NATO sẵn sàng duy trì sứ mệnh tại Libya nếu nhân dân nước này yêu cầu. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh tôn trọng lựa chọn của nhân dân Libya và hy vọng tình hình sẽ sớm ổn định. Tuần trước, phe nổi dậy đã cam kết sẽ giữ nguyên các hợp đồng làm ăn của Trung Quốc ở nước này và đã yêu cầu Bắc Kinh giúp đỡ cho quá trình tái thiết.
Khoảng trốngtrên chính trường
Trong khi phiến quân vẫn đang tìm cách kiểm soát hoàn toàn Tripoli, phương Tây đã lên kế hoạch cho một Libya không Gaddafi. Tuy nhiên, tiến trình chuyển tiếp quyền lực tại Libya sẽ không hề đơn giản do ông Gaddafi đã lãnh đạo đất nước suốt 40 năm qua theo kiểu giáo phái - hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng bè phái và chia rẽ dân tộc, bộ lạc. Vấn đề quan trọng được đặt ra hiện nay là ai có đủ khả năng để lấp chỗ trống của Gaddafi nếu quân nổi dậy nắm quyền? Hiện ứng cử viên sáng giá nhất là Mustafa Abdel Jalil - Chủ tịch NTC và là cựu Bộ trưởng Tư pháp đã đào thoát sang phe nổi dậy hồi tháng 2/2011. Tuy nhiên, NTC lại mong muốn người lãnh đạo mới phải là người không có bất cứ liên hệ nào với chính quyền cũ và ông Mustafa cũng khẳng định sẽ từ bỏ chức vụ sau khi chế độ của ông Gaddafi sụp đổ. Nhân vật có nhiều tiềm năng nữa là ông Mahmoud Jibril, người được coi là Thủ tướng của NTC, nhưng ông này cũng từng là một quan chức cao cấp dưới thời nhà lãnh đạo Gaddafi. Việc có quá nhiều người trong chính quyền cũ tiếp tục đảm nhận lãnh đạo trong chính quyền mới có thể gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ lực lượng nổi dậy và cũng tiềm ẩn các yếu tố gây bất ổn. Vì thế, việc tìm kiếm người lãnh đạo sẽ chiếm nhiều thời gian và công sức của NTC cũng như của các nước phương Tây.
Sau thông tin phiến quân chiếm được Tripoli, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm giá, nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư lo ngại rằng mâu thuẫn nội bộ trong lực lượng nổi dậy có thể dẫn đến các cuộc giao tranh mới, gây hại cho sự phục hồi sau chiến tranh và việc nối lại hoạt động xuất khẩu dầu. Trong một báo cáo hồi tháng trước, các chuyên gia dầu lửa ước tính sau khi chế độ của ông Gaddafi sụp đổ, Libya phải mất 36 tháng mới có thể khôi phục sản lượng dầu 1,6 triệu thùng/ngày, chiếm gần 2% tổng sản lượng dầu thế giới. Việc Iraq vẫn rơi vào bất ổn sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ cách đây hơn 8 năm chính là lý do khiến các nhà đầu tư thêm lo ngại về tiến trình hồi phục sản xuất tại Libya.