Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ: Những lời nhắc từ sàn diễn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã lâu lắm, sân khấu kịch mới khiến người dân Thủ đô nườm nượp kéo đến rạp như Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ (diễn ra từ 9 - 16/9).

 Niềm vui nhìn từ sàn gỗ ấy cho người ta niềm tin vào sức sống của những tác phẩm có giá trị vượt thời gian, nhưng cũng cho người trong nghề thấy "lỗ hổng" trong đội ngũ người viết kịch bản sân khấu hiện tại.

 

Tự đánh mất nguồn thu

 

Trước ngày khai mạc Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ, đại diện Ban Tổ chức cho biết: "Ngoài vé mời, khán giả muốn xem các vở diễn tại liên hoan có thể mua vé tại các rạp, nhà hát". Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà vé không có bán, khiến không ít người muốn xem kịch Lưu Quang Vũ phải "hỏi thăm" vé mời của dân phe vé với giá 120.000 - 150.000 đồng/vé. Có đến các buổi diễn của liên hoan thời gian này mới thấm được nỗi lòng nghệ sĩ. Khán phòng kín chỗ, có người còn chấp nhận ngồi trên những bậc xi măng giữa các hàng ghế trong rạp để theo dõi vở diễn. Khán phòng lặng thinh ở mỗi đoạn cao trào, lại thấy nhiều khán giả lấy tay lau nước mắt… Mừng cho sân khấu phía Bắc suốt bao năm nay chật vật tìm khán giả, chật vật tìm cách "đỏ đèn" diễn, còn nghệ sĩ "sống mòn" để trung thành với nghề… Mừng nữa là công chúng không hề thờ ơ, quay lưng với sân khấu, với lao động sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ.
Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ: Những lời nhắc từ sàn diễn - Ảnh 1 
Phải chăng, những người tổ chức liên hoan cũng không dám chắc các vở diễn thu hút được khán giả nên đã "khiêm tốn" trong việc phát hành vé. Bởi, nếu biết lượng khán giả yêu mến kịch Lưu Quang Vũ nhiều như vậy, chắc chắn họ sẽ không bỏ phí nguồn thu này. Liên hoan mới đi được nửa chặng đường, vẫn còn kịp để Ban Tổ chức thay đổi cách làm, cho người muốn xem kịch Lưu Quang Vũ có cơ hội thưởng thức.

 

Kịch Lưu Quang Vũ có cần làm mới?

 

Kịch Lưu Quang Vũ vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với công chúng như vậy cũng là điều dễ hiểu. Bởi, trong kịch của ông, hiện thực cuộc sống được tái hiện trung thực, nhiều khi đến nghiệt ngã. Ngay một số vở khai thác cốt truyện từ dân gian, dã sử hay lịch sử thì chất hiện thực vẫn phảng phất trong đó. NSƯT Thu Hà, diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ: "Kịch bản của Lưu Quang Vũ có nội dung sâu sắc, tôi cho rằng không cần làm mới kịch bản của ông, chỉ cần chuyển tải được đúng tinh thần nhân văn và triết lý của ông là đã làm rung động xã hội rồi. Việc sử dụng các thủ pháp làm mới cũng như con dao hai lưỡi. Ví dụ như lần này, khán giả ngồi cạnh tôi bật cười khanh khách vì "hồi những năm 1985 - 1986 làm gì có Gangnam Style như bây giờ? Hồi trước, tôi cũng từng được tham gia dựng vở diễn "Tôi và chúng ta" nên nhớ lắm cái không khí rực rỡ của sân khấu thời đó. Thú vị vô cùng! Với liên hoan lần này, chúng tôi được sống lại cả một thời kỳ huy hoàng của sân khấu". Tuy nhiên, nhà phê bình Ngô Thảo lại cho rằng: "Đương thời, kịch Lưu Quang Vũ có thể vừa là nguyên liệu, vừa là sản phẩm, bây giờ làm lại thì dứt khoát nó chỉ là nguyên liệu thôi và để có sản phẩm đòi hỏi phải làm mới, tân trang, bao bì, chất lượng chứ không chỉ bán vật liệu thô như thế này. Mấy chục năm, khán giả đã thay đổi rất nhiều nhưng sân khấu vẫn vậy. Rất đáng phải suy nghĩ...".

 

Việc có cần đổi mới hay không, còn phải bàn rất nhiều, nhưng kịch Lưu Quang Vũ vẫn mang hơi thở thời đại thì ai cũng rõ. Những tiếng vỗ tay, những giọt nước mắt... đã khẳng định điều đó. Và hơn tất cả,  những buổi diễn chật kín khán giả đang nhắc người làm nghề một thực tế rằng: 25 năm sau khi Lưu Quang Vũ ra đi, sân khấu vẫn chưa tìm thấy nhà viết kịch nào thay thế được ông. Ở góc sáng tác kịch bản này vẫn đang hiển hiện một "khoảng trống" chưa được lấp đầy - một lý do mà người trong nghề vẫn hay than thở rằng "thiếu kịch bản hay" khiến sân khấu không hấp dẫn được khán giả.