Các cơ quan cứu trợ của Liên Hợp quốc (LHQ) ngày 29/6 đã hoan nghênh thỏa thuận về vấn đề di cư vừa đạt được giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), đồng thời kêu gọi khối này ưu tiên các biện pháp nhằm đảm bảo tính mạng và sự an toàn của người di cư.
Một đại diện của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết cơ quan này sẽ hoan nghênh mọi thỏa thuận của châu Âu có cách tiếp cận hướng tới hài hòa và hợp tác sâu rộng hơn đối với vấn đề tị nạn, đặc biệt là những thỏa thuận chú trọng hoạt động đảm bảo tính mạng của người di cư trên biển. Theo thống kê của UNHCR, trong năm 2018, đã có hơn 1.000 người thiệt mạng hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải.
Ngày 29/6, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được một thỏa thuận về di cư sau gần 10 giờ hội đàm căng thẳng. |
Trong khi đó, đại diện của Tổ chức Di trú quốc tế LHQ cho rằng mọi biện pháp về vấn đề người di cư phải được thống nhất toàn châu Âu, giúp ích cho các nước "đầu sóng ngọn gió" trong vấn đề người di cư như Italy và các trung tâm xử lý thủ tục tiếp nhận người di cư phải được đặt tại châu Âu. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cũng ra tuyên bố cho biết cơ quan này đang chờ đợi việc sàng lọc thông tin về các biện pháp đối với trẻ em di cư. UNICEF cho biết 92% trẻ em di cư tìm cách vượt biên trên Địa Trung Hải vào Italy là không có người đi cùng. Theo UNICEF, nhóm đối tượng này cần có sự chăm sóc và bảo vệ đặc biệt.
Cũng trong tuyên bố ngày 29/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nhận định còn quá sớm để đề cập đến thành công của thỏa thuận về vấn di cư mà các nhà lãnh đạo EU vừa đạt được sau 10 tiếng hội đàm khó khăn. Ông Tusk cảnh báo về những yếu tố khó khăn chi phối quá trình thực hiện thỏa thuận này.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Bruxelles (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã đạt được một thỏa thuận về di cư sau gần 10 giờ hội đàm căng thẳng. Theo đó, các nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận là 28 nước thành viên thành lập trên lãnh thổ EU các “trung tâm kiểm soát” đón tiếp người di cư được cứu vớt trên biển. Những cơ sở này sẽ được đặt tại các nước thành viên “tự nguyện” và cho phép phân biệt nhanh chóng những người đủ điều kiện xin tị nạn với các trường hợp di cư vì kinh tế.
EU nhất trí áp dụng cách tiếp cận toàn diện với vấn đề di cư, bao gồm kiểm soát hiệu quả hơn biên giới bên ngoài của EU, ngăn chặn sự trở lại của dòng người tị nạn không thể kiểm soát được như năm 2015, và tiếp tục ngăn chặn việc di cư bất hợp pháp trên tất cả các tuyến đường hiện có và mới nổi.
Tuyên bố cho biết các nước EU sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Italia và các nước Địa Trung Hải khác để ngăn chặn những kẻ buôn người từ Libya và nhiều nước khác. 28 nhà lãnh đạo cũng đồng ý xem xét thiết lập những nơi tiếp nhận người di cư khác ngoài EU, rất có thể ở Bắc Phi, trong nỗ lực ngăn cản các chuyến tàu buôn người đổ về EU.