Nhiều giải pháp căn cơ đã được các nhà quản lý gợi mở, trong đó, phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết được xem là hướng đi hết sức quan trọng.
Thị trường dần ổn định
Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho biết, sau gần 3 tháng thực hiện ý kiến của Chính phủ và Bộ NN&PTNT về giải cứu thịt lợn, các địa phương đã tiến hành giảm quy mô đàn nái hậu bị và loại thải gần 500.000 lợn nái, tương đương 10,28% tổng đàn. Các bộ, ngành, địa phương cùng các DN đã chung tay thực hiện nhiều giải pháp tăng cường sức tiêu thụ thịt lợn. Tại Bộ Công an, chỉ sau 3 tháng (từ 1/5 - 1/8) đã hỗ trợ tiêu thụ trên 3.650 tấn thịt lợn. Hay Công ty Samsung Việt Nam tăng khối lượng thịt lợn ở các nhà ăn từ 6,2 tấn/ngày lên 10,4 tấn/ngày từ 1/5... Một loạt điểm bán hàng thịt lợn bình ổn giá bằng cách thức mua lợn hơi giá cao cho người chăn nuôi và tổ chức giết mổ, cung ứng thịt lợn giá thấp đến tay người tiêu dùng đã được triển khai. Giá bán thịt lợn trong hệ thống các siêu thị, điển hình như: BigC, Hapro, Metro, Vinmart… cũng đồng loạt giảm khoảng 15 – 30%.
Song song với tiêu thụ thịt lợn, việc hỗ trợ sản xuất cũng được đẩy mạnh. Trong tháng 4 và tháng 5/2017, các DN đã đồng loạt giảm giá thức ăn chăn nuôi trung bình từ 200 – 400 đồng/kg, giúp người chăn nuôi giảm 200 – 400 tỷ đồng/tháng. Hỗ trợ tài chính, tín dụng được tăng cường nhằm giúp người chăn nuôi duy trì sản xuất. Điển hình như Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến hết tháng 6/2017 đã cho vay vốn chăn nuôi lợn với tổng số dư nợ gần 10.500 tỷ đồng.
Thông qua những giải pháp cụ thể, giá lợn đã dần phục hồi. Chỉ sau 2 tuần triển khai các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ, trung tuần tháng 5/2017, giá lợn hơi trong nước đã tăng từ 5.000 – 7.000 đồng/kg, giúp ngành chăn nuôi giảm thua thiệt từ 1.500 – 2.000 tỷ đồng/tháng. Tới tháng 7/2017, giá lợn hơi trong nước dần tăng cao trở lại, người chăn nuôi bắt đầu hòa vốn và có lãi, khi giá lợn hơi đạt ngưỡng 36.000 – 38.000 đồng/kg.
Xây dựng chuỗi liên kết
Dù đang dần hồi phục, tuy nhiên, để thị trường chăn nuôi lợn ổn định và tiếp tục phát triển, vẫn cần các giải pháp đồng bộ. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, không chỉ ở Hà Nội, tại nhiều địa phương có ngành chăn nuôi phát triển, vấn đề đầu ra vẫn đang là bài toán khó. Có quy hoạch nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến, hiệu quả chưa cao. Theo đó, để ngành chăn nuôi lợn phát triển, cần thúc đẩy chăn nuôi hữu cơ theo hướng vừa và nhỏ, kết hợp có kiểm soát. Đối với chăn nuôi quy mô lớn phải thực hiện theo chuỗi liên kết.
Ở một khía cạnh liên quan, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, việc xây dựng được thị trường tiêu thụ là quan trọng. Nếu thị trường phân tán thì rất khó kiểm soát sự ổn định của hoạt động chăn nuôi. Theo đó, ông Hòa kiến nghị cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các địa phương để bảo đảm kết nối cung – cầu. Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, cần tăng cường quản lý giết mổ nhỏ lẻ, bán thủ công, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn để tạo điều kiện cho giết mổ công nghiệp, bảo đảm VSATTP.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết và tích cực khai mở thị trường là hai trong số những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn tới. Trong tháng 11/2017, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện Đề án xuất khẩu lợn với trọng tâm là xây dựng các vùng an toàn dịch và tổ chức sản xuất theo chuỗi. Đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương, nhất là các tỉnh vùng biên đàm phán, xúc tiến mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch mặt hàng thịt lợn.
Để tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi lợn về lâu dài, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, trong đó, tăng cường các chính sách khuyến khích các DN đầu tư vào những lĩnh vực, những khâu còn thiếu và yếu như giết mổ, chế biến, kiểm soát dịch bệnh… |