Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liệu có hạn chế "nhập siêu" điện ảnh?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước tình trạng 80% phim chiếu rạp là phim nước ngoài, các nhà làm điện ảnh trong nước đang nghĩ tới phương án quản lý điện ảnh thông qua vé xem phim.

Kinh nghiệm đang ứng dụng tại nhiều quốc gia này được cho là giải pháp phù hợp và hữu hiệu với thực trạng sản xuất, phát hành và phổ biến phim ở Việt Nam.

Thua “đau” trên sân nhà

Hoạt động phát hành phim đang được mở cửa hội nhập và xã hội hóa, vận hành theo quy luật thị trường. Vì vậy, các công ty phát hành phim nước ngoài được dịp phát triển ồ ạt và thu lãi lớn tại thị trường Việt Nam. Thêm vào đó, việc tuân thủ cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO dẫn đến thực trạng không kiểm soát được lượng phim phát hành. Các nhà quản lý điện ảnh cho rằng, đây là lỗ hổng lớn để các đơn vị kinh doanh phim ngoại thỏa sức xâm nhập và “làm mưa làm gió” đối với thị trường điện ảnh nước ta. Tỷ lệ phim ngoại áp đảo tại các rạp khiến phim Việt khó có cơ hội chen chân. Đồng nghĩa với việc thực hiện tỷ lệ % chiếu phim truyện Việt theo Luật Điện ảnh sẽ không khả thi, chưa nói đến dòng phim tài liệu, hoạt hình. Bằng chứng là cả năm 2011, trong tổng số hơn 100 phim công chiếu tại các rạp, chỉ có 12 phim Việt Nam. Số lượng phim có thể bán ra nước ngoài gần như không có.

Liệu có hạn chế "nhập siêu" điện ảnh? - Ảnh 1

Công ty Megastar thu khoảng 700 tỷ đồng nhờ phát hành phim ngoại trong năm 2011

Tại Thái Lan, để ngăn lợi nhuận của điện ảnh "chảy" ra ngoài và quản lý được nội dung phim, Chính phủ nước này không cho công ty nước ngoài đầu tư vào cụm rạp chiếu phim. Cách làm này góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát hành phim nội phát triển. Trong khi đó, điện ảnh Việt Nam đã làm ngược lại, việc quản lý các dự án mở rạp chiếu phim hoàn toàn được thả nổi, khiến các doanh nghiệp nước ngoài thỏa sức làm mưa làm gió kiếm lợi nhuận kếch sù. Ông Trịnh Quỳnh Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Điện ảnh Truyền hình CBC – Vinematim cho biết: “Hiện nay và trong tương lai gần, các công ty lớn của Hàn Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường, họ sẽ là nhà đầu tư những cụm rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam. Công ty CJ đã mua xong hệ thống cụm rạp của Megastar; Công ty Lotte cũng đang đầu tư lớn vào Việt Nam. Họ sẽ khống chế các nguồn phim lớn từ Holywood, Hàn Quốc… các rạp chiếu phim Việt Nam sẽ bị phụ thuộc và phí rất cao”. Người ta cũng dự kiến trong tương lai gần, con số rạp chiếu do nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ trên 500 - 600 rạp.   

Quản lý thông qua vé xem phim

Trước tình trạng “nhập siêu” điện ảnh và sự lấn lướt của các công ty phát hành phim nước ngoài tại Việt Nam, các nhà làm điện ảnh trong nước đang “vò đầu bứt tai” tìm giải pháp để lấy lại “trận địa” quan trọng này. Không ít người cho rằng, ngành điện ảnh cần thuyết phục Bộ Tài chính, Chính phủ cho phép được tham gia quản lý ngành thông qua tấm vé xem phim. Chỉ khi biết được thị hiếu, nhu cầu từ vé xem phim, người làm điện ảnh mới nắm chắc, chính xác sự phát triển, thực trạng về kinh tế của mạng lưới chiếu phim. Từ đó kịp thời tham mưu cho cơ quan cấp trên những chính sách để phát triển ngành, điều chỉnh chính sách thuế hợp lý.

Kinh nghiệm từ các nước Pháp, Hàn Quốc… cho thấy, cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh của họ đều tham gia quản lý ngành qua tấm vé xem phim tại rạp. Tại Pháp, Nhà nước đánh thuế gần 10% giá vé phim ngoại để tái đầu tư cho điện ảnh nước nhà. Con số này tại Hàn Quốc là 3%. Người ta làm phép tính giả định, với số thu từ chiếu phim hiện nay khoảng 720 tỷ đồng/năm, nếu Nhà nước cho phép ngành thu 2%, cũng được khoảng 14,2 tỷ đồng cho Quỹ phát triển điện ảnh nước nhà. Với khoản ngân sách này, ngành điện ảnh có thể làm được rất nhiều việc cho sự phát triển của điện ảnh nội.

Phân tích của các nhà làm điện ảnh trong nước không phải không có lý. Nhưng cũng phải đặt vấn đề ngược lại rằng, liệu khi ấy, các đạo diễn Việt có làm được những tác phẩm điện ảnh hay, hấp dẫn được khán giả đến rạp hay không? Nếu sản xuất phim vẫn trong tình trạng làm xong… xếp kho, thì “nhập siêu” điện ảnh vẫn là điều dễ hiểu.