Điều đó cho thấy, lực lượng chức năng cần linh hoạt trong việc áp dụng các quy định pháp luật trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả. Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2019, do Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội tổ chức chiều 10/7.
Phát sinh nhiều thủ đoạn mới
Thông tin từ Cục QLTT Hà Nội cho thấy, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả Việt Nam đã cấu kết với các đối tượng nước ngoài (Trung Quốc) sản xuất, vận chuyển hàng lậu, hàng giả.
Đáng chú ý, các đối tượng buôn lậu đã thay đổi phương thức vận chuyển theo hướng giảm vận chuyển đường bộ các hàng nhập lậu giá trị cao như ngoại tệ, sừng tê giác mà chuyển sang đường hàng không.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan TP Hà Nội Nguyễn Dương Thái chia sẻ: “Nhằm qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thường giấu hàng theo người, trong hành lý, không khai báo hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh; lợi dụng quy định được miễn thuế, hàng quà biếu để vận chuyển hàng lậu”.
Thực tế cho thấy, không chỉ hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp mà việc sản xuất, kinh doanh hàng giả cũng trong tình trạng tương tự. Vừa qua, lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra 7 cơ sở kinh doanh tại chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) đã phát hiện, thu giữ gần 3.000 sản phẩm thời trang giả mạo các thương hiệu Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton, Gucci... là minh chứng cho tình trạng DN Việt mua hàng giả ở nước ngoài, tuồn vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, một số vụ hàng giả phát hiện cho thấy có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả hoặc lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để sản xuất, trà trộn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam mang ra lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.
Mới đây, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện xe ô tô do đối tượng Trần Văn Luyện điều khiển vận chuyển giày thể thao Thượng Đình giả. Tiếp tục khám xét nơi sản xuất và kho chứa hàng thu được 2.770 đôi giày Thượng Đình. Tình trạng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín các thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, ảnh hưởng đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tăng cường phối kết hợp
Mặc dù việc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả là trách nhiệm chung của toàn xã hội nhưng sự vào cuộc của các cấp, ngành còn chưa đồng bộ, thiếu chiều sâu, mang nặng tính hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Không chỉ có vậy, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các đơn vị địa phương còn thiếu thống nhất trong quá trình xử lý.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự có chung kiến nghị: Các bộ, ngành cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp thực tế liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động phối kết hợp liên ngành, địa phương trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389/TP nêu rõ: Công tác phối hợp giữa T.Ư và Hà Nội, giữa các ngành, các cấp còn hạn chế, thiếu chủ động. Các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chế tài xử lý khó áp dụng, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Từ nay đến cuối năm, để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh, chống buôn lậu trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389/TP các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh shisha, bóng cười…
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra các dịp lễ, Tết, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, trao đổi thông tin giữa Hà Nội với các tỉnh bạn Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh… qua đó ngăn chặn hàng lậu. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương và T.Ư sớm hoàn thiện bộ máy hoạt động của Cục QLTT, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống hàng lậu, hàng giả.
6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng trên địa bàn TP đã tổ chức thanh, kiểm tra 12.967 vụ, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2018; xử lý hành chính 11.199 vụ, khởi tố hình sự 89 vụ đối với 11 đối tượng. Trong đó, hàng cấm nhập lậu là 1.723 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 680 vụ... Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế và tiền bán hàng tịch thu là gần 3.000 tỷ đồng. |