Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lộ diện loạt doanh nghiệp đầu tư các dự án hàng nghìn tỷ vào Bình Định

Trung Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bình Định đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 12.700 tỷ đồng. Đồng thời, trao 22 bản ghi nhớ với các doanh nghiệp đề xuất dự án với số vốn dự kiến khoảng 90.000 tỷ đồng và 9,4 tỷ USD.

Trong khuôn khổ Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã trao quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho hơn 40 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 100.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị và du lịch An Quang.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị và du lịch An Quang.

Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư tại dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, huyện Phù Cát.

Cùng ở lĩnh vực bất động sản còn có các dự án khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực phía Nam và phía Bắc đường Tăng Bạt Hổ, thị trấn Diêu Trì có vốn đầu tư 861 tỷ đồng; dự án nhà ở xã hội Nhơn Phú 2 vốn đầu 727 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thông Thuận đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn khoảng 900 tỷ đồng.
Công ty TNHH Thông Thuận đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn khoảng 900 tỷ đồng.

Riêng ở lĩnh vực sản xuất có các dự án nhà máy sản xuất và chế biến gỗ Tekcom Central vốn đầu tư 980 tỷ đồng do Công ty CP Tekcom Central đầu tư; dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ với tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có dự án nhà máy sản xuất sản phẩm gỗ, kim loại, nhựa giả mây và nệm nội, ngoại thất do Công ty vidaXL Group B.V Hà Lan đầu tư với vốn khoảng 763 tỷ đồng; nhà máy chế biến dăm gỗ và sản xuất viên nén sinh học xuất khẩu Tây Sơn có vốn đầu tư 354 tỷ đồng…

Bên cạnh các dự án được trao Giấy chứng nhận đầu tư, lãnh đạo tỉnh Bình Định còn trao bản ghi nhớ đầu tư cho 23 nhà đầu tư của 24 dự án (17 dự án sản xuất công nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản; 7 dự án thương mại, dịch vụ, du lịch).

Đáng chú ý là, dự án xây dựng nhà máy điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi với công suất 2.000MW, vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,8 tỷ USD do Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội và STS Development đề xuất; dự án điện gió ngoài khơi tại huyện Phù Mỹ khoảng 4,6 tỷ USD do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam - AHK Việt Nam đăng ký.

Loạt doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án nghìn tỷ vào Bình Định. 
Loạt doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án nghìn tỷ vào Bình Định. 

Ngoài ra, còn có dự án nhà máy chế biến bột giấy và giấy Bình Định tại huyện Phù Mỹ khoảng 21.700 tỷ đồng của Công ty CP Quản lý Đầu tư Mekong; dự án tổ hợp sản xuất hydro, cảng tổng hợp và dự án khu công nghiệp Phù Mỹ khoảng 21.000 tỷ đồng…

Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch có, dự khu đô thị phức hợp nghỉ dưỡng và sân golf Long Biên Bình Định khoảng 12.000 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư Long Biên, thuộc Tập đoàn Him Lam tìm hiểu đầu tư; dự án sân golf dự kiến 12.000 tỷ đồng do Công ty CP Xuân Cầu tìm hiểu đầu tư…

Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng dự kiến 11.200 tỷ đồng do Tập đoàn KING RIDGE MARK (Mỹ), STS Development và Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội) nghiên cứu đầu tư; Khu đô thị tại TP Quy Nhơn dự kiến 3.000 tỷ đồng do Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Ngân Tín tìm hiều đầu tư...

 
Quy hoạch sân bay Phù Cát công suất 7 triệu hành khách/năm

Trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đã trao Quyết định Quy hoạch cảng hàng không Phù Cát cho lãnh đạo tỉnh Bình Định.

Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch của Bộ GT-VT, vị trí, chức năng cảng hàng không Phù Cát trong mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc là cảng hàng không nội địa; dùng chung dân dụng và quân sự.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung trao Quyết định Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát cho Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung trao Quyết định Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát cho Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn.

Mục tiêu quy hoạch thời kỳ 2021-2030, cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế) và sân bay quân sự cấp I; công suất 5 triệu hành khách/năm và 12.000 tấn hàng hoá/năm; loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II.

Quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 song song, cách đường cất hạ cánh hiện hữu 215 m về phía Tây với kích thước 3.048 m x 45 m, kích thước lề vật liệu theo quy hoạch.

Đối với hệ thống đường lăn, tiếp tục sử dụng đường lăn hiện hữu; đồng thời quy hoạch 6 đường lăn nối, 2 đường lăn thoát nhanh, kích thước lề vật liệu theo quy định. Đối với sân đỗ máy bay, mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 16 vị trí và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.