Gần một tháng nay, anh Nguyễn Văn Hoàng, công nhân của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, cùng đồng đội luân phiên túc trực xuyên đêm xử lý rác thải.
Công suất 20 giờ/ngày
Trong khu xử lý rác thải nguy hại của bãi rác Khánh Sơn (Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng), mùi nồng của cồn sát khuẩn rác bệnh viện và hơi nóng từ lò đốt ST-200 có thể gây choáng váng bất kỳ một vị khách lạ nào. Thế nhưng, 12 con người trong bộ đồ bảo hộ xanh kín mít từ đầu đến chân, thêm cặp mắt kính đã phủ mờ hơi nước vẫn miệt mài với công việc.
Anh Hoàng vừa tranh thủ hít khí trời bên ngoài vừa tâm sự, đã 1 tháng kể từ ngày Đà Nẵng vào mùa Covid-19 lần thứ 2, anh cùng 11 đồng nghiệp thay phiên túc trực đảm bảo xử lý hơn 4 tấn rác thải nguy hại mỗi ngày. Công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 3 giờ sáng ngày hôm sau. Nhưng áp lực công việc không nặng bằng nỗi lo nguy cơ lây nhiễm cho anh và gia đình.
“Xử lý rác thải nguy hại khác rất nhiều so với rác thải thông thường. Hơn nữa, phải tiếp xúc trực tiếp với đồ dùng, rác thải, dụng cụ y tế điều trị cho người bệnh nên sợ bị nhiễm bệnh lúc nào không hay. Nhưng bây giờ nếu để tồn lưu rác thì nguy hiểm hơn”, anh Hoàng chia sẻ.
Nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã trang bị đầy đủ đồ bảo hộ phòng chống lây nhiễm Covid-19 từ rác thải nguy hại. Tranh thủ ngã lưng giấc trưa chập chờn, rồi anh em công nhân lại kín mít từ đầu đến chân tiếp tục công việc.
Mỗi ngày, các cơ sở y tế và khu cách ly trên địa bàn TP Đà Nẵng thải ra khoảng hơn 7 tấn rác thải có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Trong khi đó, cả thành phố chỉ có 1 lò đốt ST-200 xử lý rác thải nguy hại với công suất 200kg/giờ. Một vấn đề nan giải là phải xử lý rác thải nguy hại này trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Chính vì vậy, công nhân phải thay phiên túc trực lò đốt xuyên đêm.
Vừa phòng chống lây nhiễm vừa giảm nguy cơ quá tải
Chia sẻ với phóng viên về quá trình vận chuyển và xử lý rác thải nguy hại, ông Trần Văn Tiên - Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho biết, sau khi thu gom rác thải có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, số rác này sẽ được vận chuyển bằng xe đông lạnh đưa đến khu xử lý (không để chung với rác sinh hoạt). Sau đó, rác được đẩy vào buồng đốt và đốt 2 lần. Tại buồng sơ cấp rác sẽ tự cháy với nhiệt độ từ 700 độ C -1.100 độ C, sau đó qua buồng thứ cấp có nhiệt độ từ 1.050 độ C đến 1.100 độ C.
“Toàn bộ lượng khói phát sinh trong quá trình đốt sẽ được lọc, thải ra môi trường là khí trắng. Đối với khối lượng rác y tế và chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 chưa đốt được lưu giữ trong 2 container lạnh, luôn bảo quản ở nhiệt độ khoảng 10 độ C (dưới 20 độ C theo đúng quy định) và được đem ra đốt liên tục, bảo đảm rác lưu chứa không quá 48 giờ theo đúng quy định”, ông Tiên cho hay.
Được biết, có 40 cơ sở y tế, khu cách ly tập trung cấp thành phố và quận huyện đã hợp đồng thu gom rác thải y tế với Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng. Số lượng rác thải nguy hại được thu gom hơn 7 tấn/ngày. Nếu chỉ với lò đốt ST-200 thì sẽ có nguy cơ quá tải.
Nhằm giải quyết vấn đề này, UBND TP Đà Nẵng đã cho phép vận hành thêm lò đốt chất thải nguy hại công nghiệp ST-80. Ông Trần Văn Tiên cho biết thêm, Công ty sẽ đảm bảo vận hành hết công suất tránh để ùn ứ rác thải, đặc biệt là rác thải có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Lực lượng công nhân cũng sẽ tiếp tục tăng ca, túc trực lò đốt cho đến khi hết dịch.