Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗ hổng an ninh “chết người” của nước Pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian gần đây, nước Pháp liên tục trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố. Vụ tấn công liên hoàn tại nhiều địa điểm công cộng tại thủ đô Paris, Pháp với mức độ đẫm máu nhất kể từ Thế chiến II đặt ra câu hỏi về năng lực của lực lượng an ninh Pháp.

Đêm thứ Sáu, 13/11, một loạt các vụ tấn công liên hoàn xảy ra tại 7 điểm ở thủ đô Paris khiến cả nước Pháp rúng động.
Lỗ hổng an ninh “chết người” của nước Pháp - Ảnh 1
Đây không phải là lần đầu tiên nước Pháp phải hứng chịu các cuộc tấn công của chủ nghĩa khủng bố. Trước khi xảy ra sự kiện đêm 13/11, nước Pháp từng chứng kiến vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo khiến 20 người thiệt mạng cùng 22 trường hợp bị thương. Trong tháng 4 và tháng 6, nước Pháp lại xảy ra hai vụ tấn công khủng bố khác khiến hai người thiệt mạng. Đặc biệt, vụ chặt đầu tại nhà máy ở Saint-Quentin-Fallavier đặc trưng kiểu tấn công man rợ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Các sự việc xảy ra liên tiếp cho thấy lỗ hổng trong hệ thống an ninh đáng báo động của nước Pháp. Lỗ hổng đã thực sự nguy hiểm chết người, đúng theo nghĩa đen.

Nhiều người không khỏi thắc mắc, những kẻ tấn công đã làm cách nào lọt qua được các hàng rào an ninh để thực hiện các cuộc khủng bố. Thậm chí, ngay cả khi Tổng thống Pháp Hollande có mặt tại sân vận động Stade de France, các tên khủng bố vẫn dễ dàng tấn công khu vực gần đó mà không gặp phải trở ngại nào từ phía an ninh.

Hệ thống an ninh của Pháp còn lỏng lẻo tới mức, nhà hát Bataclan, nơi 100 con tin bị bọn khủng bố giết hại, nằm ngay ở quận 11, trung tâm thủ đô Paris và chỉ cách 200m với văn phòng cũ của tạp chí Charlie Hebdo - nơi bị lực lượng Hồi giáo tấn công khủng bố hồi tháng 1.

Sau vụ tấn công đẫm máu tại tòa soạn Charlie Hebdo, chính quyền Pháp đã tuyên bố thắt chặt an ninh trên cả nước để tránh lặp lại thảm kịch. Tháng 4, các quan chức Pháp thông báo nước này sẽ tăng ngân sách quốc phòng thêm 4 tỷ Euro trong vòng 4 năm tới nhằm đáp ứng các thách thức an ninh mới.
Lỗ hổng an ninh “chết người” của nước Pháp - Ảnh 2
Tuy nhiên, đánh giá về kế hoạch tăng cường lực lượng của chính quyền Pháp, Richard Barrett, cựu sĩ quan tình báo Anh, cho biết trong một cuộc trao đổi với Newsweek, việc tăng cường lực lượng không thể ngăn chặn tất cả các âm mưu khủng bố trên khắp nước Pháp.

Theo số liệu của Trung tâm Quốc tế Vương quốc Anh, 1.200 công dân Pháp đã rời đất nước để gia nhập IS ở Iraq và Syria từ năm 2012.

Tình báo Pháp và các đồng nghiệp ở châu Âu đã tính đến kịch bản sự trở về của những công dân châu Âu từ IS, nhưng họ không thể kiểm soát hết mọi người do chính sách đi lại tự do giữa các nước liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, các phần tử khủng bố có thể trà trộn vào dòng người di cư đến châu Âu khiến việc theo dõi gần như là không thể.